TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ CHO VAY TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG

25 Mar 2019
  1. LỜI NGỎ

Tội phạm hình sự nói chung và tội phạm trong hoạt động Ngân hàng nói riêng đều là các hành vi nguy hiểm, xâm hại nghiêm trọng đến các quan hệ xã hội, chính sách kinh tế tài chính của Đảng, Nhà nước ta. Trong giai đoạn hiện nay, khi các Ngân hàng đang trong thời kỳ cạnh tranh, mở rộng mạng lưới và tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, tội phạm Ngân hàng xuất hiện ngày càng nhiều và mức độ phạm tội ngày càng nguy hiểm hơn.

Thực tế, báo chí thế giới đã đăng nhiều bài viết về tội phạm xâm phạm hoạt động của các ngân hàng mà hành vi phạm tội hết sức tinh vi, người bình thường thật khó mà hình dung và tưởng tượng nổi như việc đào một đường hầm xuyên qua các phố đến két Ngân hàng, dùng cần cẩu nhấc cả cụm máy ATM của Ngân hàng…Còn ở Việt Nam, việc hàng loạt vụ cướp táo bạo, ngay giữa ban ngày, trước mắt mọi người, đã được đăng liên tiếp trên báo trong thời gian qua như một hồi chuông gióng lên về mức độ nguy hiểm cũng như sự táo bạo, tinh vi, nhanh nhạy của bọn tội phạm liên quan đến hoạt động Ngân hàng. Đặc biệt là một số vụ phạm tội lại do chính người trong ngành thực hiện. Điển hình là vụ một cán bộ tin học Ngân hàng nổi tiếng bậc nhất Việt Nam đã sử dụng hệ thống máy tính, biến ảo các con số lấy đi hàng tỷ đồng để ăn chơi, tiêu sài cá nhân mà sau đó  báo chí tốn không ít giấy mực để phân tích những lỗ hổng trong quản lý và hoạt động của Ngân hàng. Vụ “trọng án” này đã được xây dựng thành bộ phim truyền hình dài tập khá nổi tiếng chiếu trên VTV3.

Hậu quả của tội phạm Ngân hàng là rất lớn. Ở mức độ vĩ mô tội phạm ngân hàng xâm hại chế độ kinh tế của Đảng, chính sách kinh tế, tài chính của Nhà nước. Ở góc độ hẹp hơn, tội phạm Ngân hàng phá hoại hoạt động kinh doanh của một ngân hàng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Ngân hàng, gây hoang mang, dao động cho khách hàng của Ngân hàng và có thể dẫn đến hiện tượng đột biến rút tiền hàng loạt dẫn đến mất khả năng thanh toán hay phá sản cho một ngân hàng cụ thể, đồng thời làm ảnh hưởng đến cả hệ thống tài chính - Ngân hàng nói chung.  Chính vì vậy, người thực hiện hành vi phạm tội đáng bị trừng trị nghiêm minh theo quy định của pháp luật để bảo vệ an toàn cho hoạt động tài chính –ngân hàng nói riêng và nền kinh tế tài chính của quốc gia nói chung.

Trên thực tế, không phải cán bộ ngân hàng nào khi được trao quyền quản lý tài sản của ngân hàng, được thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến tiền tỷ đều nảy lòng tham, cố ý phạm tội mà chỉ một số trường hợp do không thực sự hiểu hết hệ lụy của việc mình làm, chỉ khi hậu quả đáng tiếc xảy ra mới hay mình là người vô ý phạm tội (những trường hợp cho vay do quá tin tưởng khách hàng hoặc thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho Ngân hàng). Đến khi bị vướng vào vòng lao lý họ trăn trở, tự ngẫm và rút ra những bài học kinh nghiệm. Dù là muộn nhưng kinh nghiệm đó lại là bài học lớn cho tất cả những đồng nghiệp của họ, cần đặc biệt cẩn trọng trong các hoạt động nghiệp vụ của mình.

Đứng ở góc độ nghiên cứu pháp luật và kinh nghiệm làm việc trực tiếp trong ngành ngân hàng nhiều năm qua, tác giả đã nghiên cứu các quy định về tội phạm liên quan trực tiếp đến hoạt động Ngân hàng. Trong bài viết này, ngoài việc phân tích về các hành vi phạm tội cụ thể, đặc biệt là phân tích các hành vi liên quan đến hoạt động nghiệp vụ ngân hàng có thể bị đánh giá là tội phạm hình sự, tác giả sẽ đưa ra các đánh giá, kiến nghị phù hợp nhằm mục đích giúp độc giả đặc biệt là cán bộ Ngân hàng hiểu rõ hơn mức độ nguy hiểm của các hành vi tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh Ngân hàng, những hình phạt nghiêm khắc đối với mỗi hành vi, những khó khăn, hạn chế, rủi ro trong nghiệp vụ để mỗi cán bộ Ngân hàng thêm kinh nghiệm và cẩn trọng hơn khi làm việc.

Đi từ những điều luật cụ thể của Bộ luật hình sự hiện hành, mang đặc trưng tội phạm nghành là tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng” (Điều 179 Bộ luật hình sự). Tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước” (Điều 144 Bộ luật hình sự) được đánh giá như “cái túi” để nhét tất cả các hành vi phạm tội liên quan đến hoạt động ngân hàng. Còn “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 139 Bộ luật hình sự), tưởng chừng chỉ liên quan đến những tên tội phạm chuyên nghiệp ngoài xã hội nhưng không ít Cán bộ Ngân hàng “áo cổ cồn trắng” đã bị liên đới truy cứu trách nhiệm do phạm sai lầm trong khi tác nghiệp. Và cuối cùng là “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (Điều 140 Bộ luật hình sự), là kết quả của quá trình “tạo dựng tín nhiệm” và “phá hoại tín nhiệm” vì hai chữ “tài sản”, để rồi, khi bản án được tuyên thì ít nhất cũng “phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm”.

Có thể nói quy định tại Điều 179 BLHS 1999 về “Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các Tổ chức tín dụng” là quy định cụ thể, đặc trưng và trực tiếp nhất trong BLHS 1999 về tội phạm trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng. Trong bài viết này, tác giả xin được chia sẻ với độc giả những phân tích về đặc trưng pháp lý, những nhận xét, đánh giá về nghiệp vụ trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng để giúp quý vị độc giả thêm những hiểu biết nhất định về hành vi, hậu quả, hình phạt áp dụng đối với tội phạm đặc trưng này.

Theo quy định tại Điều 179 của BLHS 1999 thì “Người nào trong hoạt động tín dụng mà có một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ một đến bảy năm:

  1. a) Cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật;
  2. b) Cho vay quá giới hạn quy định;
  3. c) Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng.
  4. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
  5. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
  6. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng từ một năm đến năm năm.”

 

  1. KHÁI QUÁT CHUNG

Có không ít chuyên gia cho rằng, CBNV Ngân hàng nào mà chưa hiểu, biết về những quy định cụ thể của tội này thì chưa thực sự là CBNV Ngân hàng ! Tuy nhiên, thực tế có thể khẳng định rằng, các Ngân hàng chưa chú trọng việc đưa các điều luật về tội phạm ngân hàng vào chương trình giảng dạy, phổ biến cho CBNV của mình, nếu có, thì cũng chỉ rất hiếm.

CBNV Ngân hàng hiểu thực sự các quy định của điều luật này cũng không nhiều, đa phần chỉ nghe qua hoặc được biết tới khi chính họ, người thân hoặc Ngân hàng nơi họ đã, đang làm có vụ án hình sự liên quan. Bản thân các cán bộ làm công tác pháp chế của Ngân hàng là những người cần thực sự nắm vững các quy định pháp luật nói chung và quy định nghiệp vụ ngân hàng nói riêng cũng thực sự chưa chắc khi khẳng định mình đã nghiên cứu rõ và hiểu, biết thực sự, đầy đủ về các quy định cụ thể của BLHS 1999 và các văn bản liên quan về tội được quy định tại Điều 179 nêu trên.

Đó là đánh giá về ý thức chủ quan về Điều luật trên đối với các Ngân hàng và CBNV Ngân hàng. Ở góc độ lịch sử pháp lý, có thể nói, đây là một tội mới, được quy định lần đầu trong BLHS 1999, còn BLHS 1985 đã hết hiệu lực thì chỉ quy định về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu nghiêm trọng”.

Nguyên nhân có sự thay đổi là do tình hình kinh tế - xã hội thay đổi và phát triển mạnh theo xu thế chung, hoạt động của các ngân hàng thương mại Nhà nước với chủ sở hữu là đại diện Nhà nước đã thay đổi, hình thức sở hữu đa dạng hơn, ngoài cổ đông chính là Nhà nước còn có các cổ đông khác với nhiều thành phần như các tổ chức, cá nhân kinh doanh và ngoài Ngân hàng thương mại Nhà nước còn có Ngân hàng thương mại cổ phần. Mặt khác, nghiệp vụ cấp tín dụng của các Ngân hàng cũng đa dạng và phức tạp hơn, các hành vi vi phạm vượt ra ngoài khuôn khổ của hành vi quản lý kinh tế mà là hành vi trực tiếp thực hiện nghiệp vụ cho vay.

 

III. PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ VỀ ĐIỀU LUẬT

Đi sâu vào phân tích, đánh giá cụ thể, chi tiết nội dung các điều, khoản, điểm của Điều luật về “Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các Tổ chức tín dụng” quy định tại Điều 179 BLHS 1999 sẽ cho chúng ta thấy rõ những đặc trưng cơ bản của nghiệp vụ cấp tín dụng trong hoạt động Ngân hàng.

  1. Người thực hiện hành vi phạm tội: Người thực hiện hành phạm tội là cá nhân đủ độ tuổi luật định, có năng lực trách nhiệm hình sự và đã thực hiện hành vi vi phạm các quy định về hoạt động cho vay của Ngân hàng. Đối với một số tội thì người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội có thể là bất cứ cá nhân nào không phân biệt ngành nghề, giới tính,…đối với một số tội khác thì chỉ có những người đặc biệt mới có thể thực hiện các hành vi phạm tội trong lĩnh vực, trường hợp đặc trưng đó như người lái máy bay, người điều khiển tàu biển hoặc là người có chức vụ, quyền hạn,...

               Ở Điều luật này, Người thực hiện hành vi phạm tội là người đặc biệt. Đó phải là người có quyền hạn, có trách nhiệm nhất định trong hoạt động tín dụng mới có thể trực tiếp thực hiện các hành vi phạm tội. Đối với những người không có trách nhiệm trong hoạt động tín dụng của Ngân hàng có thể vẫn phạm vào tội này, tuy nhiên, căn cứ vào mức độ và hành vi phạm tội để phân tích, đánh giá, thì hành vi phạm tội không thể là trực tiếp và cụ thể với những đặc trưng như những người có trách nhiệm trong hoạt động tín dụng là CBNV Ngân hàng mà chỉ có thể phạm tội với vai trò là đồng phạm như giúp sức, hỗ trợ.

               Trong đa số các Ngân hàng thương mại hiện nay, Người có trách nhiệm trong hoạt động tín dụng - hoạt động cho vay - nghiệp vụ đặc trưng của Ngân hàng thường được quy định cụ thể là Cán bộ tín dụng, Lãnh đạo phụ trách tín dụng (Trưởng/phó trưởng phòng) và Lãnh đạo trực tiếp phê duyệt cho vay (Giám đốc/Phó Giám đốc). Chức năng, nhiệm vụ của từng cá nhân trong quá trình cho vay được quy định trong Quy chế, Quy trình hoặc quy định về cho vay của mỗi Ngân hàng.

               Quy chế, Quy trình hoặc quy định về cho vay của mỗi Ngân hàng sẽ khác nhau, nhưng về cơ bản thì chức năng, nhiệm vụ của CBNV Ngân hàng đa phần là giống nhau. Chẳng hạn như Cán bộ tín dụng có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, xem xét yêu cầu, dự án đầu tư, phương án vay vốn của khách hàng, thẩm định, đánh giá tài sản bảo đảm và lập Tờ trình trình lãnh đạo phụ trách tín dụng; Lãnh đạo phụ trách tín dụng đánh giá khách hàng, phân tích dự án, thẩm định và định giá tài sản bảo đảm lại trên cơ sở Tờ trình phê duyệt tín dụng của Cán bộ tín dụng và trình Lãnh đạo trực tiếp phê duyệt tín dụng ký duyệt. Lãnh đạo trực tiếp phê duyệt cho vay xem xét ký duyệt cho vay trên cơ sở Tờ trình thẩm định và đánh giá của Cán bộ tín dụng và Lãnh đạo phụ trách tín dụng.

               Khác với các hoạt động kinh doanh khác, trong hoạt động cho vay của các Ngân hàng, quy trình cấp tín dụng cho khách hàng có sự thống nhất rất cao giữa các cán bộ thực hiện nghiệp vụ trong quy trình đó. Ở góc độ xem xét hồ sơ cho vay, thường được bắt đầu từ Tờ trình tín dụng.

               Tờ trình tín dụng là một hình thức văn bản rất đặc trưng của nghiệp vụ cho vay, nó thể hiện chi tiết về ý kiến của cán bộ tín dụng về khoản vay, về khách hàng, về tài sản đảm bảo của khác hàng…về ý kiến của cán bộ thẩm định, lãnh đạo thẩm định, ý kiến phê duyệt khoản vay của lãnh đạo ngân hàng…Chính vì thế Tờ trình tín dụng cũng thể hiện rõ trách nhiệm trực tiếp của CBNV Ngân hàng trong hoạt động nghiệp vụ.

               Theo quy định bắt buộc, Tờ trình phê duyệt tín dụng, giải ngân phải có đầy đủ chữ ký của những người liên quan thì Ngân hàng mới cho khách hàng vay. Do đó, khi xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự các CBNV Ngân hàng về tội này, các cơ quan tố tụng thường căn cứ vào Tờ trình tín dụng của khoản vay để yêu cầu các CBNV Ngân hàng liên quan giải trình cụ thể về trách nhiệm trực tiếp của mỗi cán bộ trong việc cho vay đó.

  1. “Quy định” bị vi phạm ?

               Quy định bị vi phạm chung nhất là các quy định của Nhà nước về chế độ, chính sách kinh tế, tài chính Ngân hàng của Đảng, Nhà nước. và các quy định liên quan trực tiếp khác như Bộ luật Dân sự, Nghị định về giao dịch bảo đảm và các văn bản hướng dẫn trực tiếp về hoạt động cho vay của các cơ quan Nhà nước liên quan khác như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài Chính…Quy định bị vi phạm trực tiếp là những quy định trong Quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành trong từng thời kỳ.

               Quy chế cho vay đang được các Ngân hàng áp dụng là Quy chế cho vay được ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03/02/2005. Căn cứ Quy chế cho vay của NHNN Việt Nam, các Ngân hàng thương mại trên cơ sở chính sách phát triển, tình hình vốn điều lệ, hoạt động kinh doanh cụ thể của Ngân hàng mình để xây dựng Quy trình, Quy định, Quy chế, hướng dẫn cho vay phù hợp từng thời kỳ.

               Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật chính thức nào quy định về việc áp dụng các quy định về hoạt động cho vay trong Quy trình, Quy chế liên quan của các Ngân hàng thương mại là căn cứ buộc tội đối với những CBNV Ngân hàng nói riêng và những cá nhân vi phạm điều luật về hoạt động cho vay nói chung. Các chuyên gia pháp luật cũng đưa ra rất nhiều quan điểm, nhiều tranh cãi về trường hợp Quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định hoặc chưa quy định cụ thể, chi tiết về một hoạt động, một hành vi hay thủ tục nào đó về hoạt động cho vay nhưng các Ngân hàng thương mại lại quy định cụ thể, chi tiết trong Quy trình, Quy định, Quy chế, hướng dẫn cho vay của nội bộ Ngân hàng mình thì khi CBNV vi phạm những quy định này và gây thiệt hại đến tài sản của Ngân hàng thì có cho phép Cơ quan tố tụng lấy những quy định nội bộ Ngân hàng đó làm cơ sở luận tội hay không.

               Thực tiễn, trong các vụ án hình sự xét xử CBNV Ngân hàng vi phạm quy định về cho vay theo Điều 179 BLHS 1999 trong thời gian qua đã cho thấy, cho dù các văn bản quy phạm pháp luật (Bộ luật, Luật, Nghị định, Thông tư,…) hoặc các văn bản hướng dẫn (Quyết định, Nghị quyết, Công văn, Chỉ thị,…) không quy định chi tiết, cụ thể hoạt động, hành vi như các CBNV Ngân hàng đã thực hiện nhưng các Cơ quan tố tụng vẫn quy buộc CBNV Ngân hàng về tội vi phạm các quy định về hoạt động cho vay.

               Ví dụ: Việc phê duyệt hạn mức tín dụng cụ thể của Chi nhánh Ngân hàng không được Nhà nước quy định rõ. Tuy nhiên, chính Quy chế cho vay Ngân hàng A lại quy định hạn mức cho vay của chi nhánh Ngân hàng A là 5 tỷ đồng, nếu vượt quá phải có sự phê duyệt trực tiếp bằng văn bản của Tổng Giám đốc Ngân hàng A. Khi Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng A cho vay hơn 5 tỷ đồng chưa có sự phê duyệt của Tổng Giám đốc gây thiệt hại cho Ngân hàng A thì các cơ quan tố tụng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng A về việc vi phạm hạn mức cho vay trong Quy định về hoạt động cho vay của Ngân hàng A.

               Trong trường hợp trên, việc các Cơ quan tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự CBNV Ngân hàng có đủ cơ sở pháp lý hay không còn là một vấn đề còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên theo tác giả, trong trường hợp này, việc truy cứu trách nhiệm hình sự của cơ quan tố tụng cần phải có hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn của cơ quan có thẩm quyền hoặc xem xét để chính Ngân hàng đó xử lý CBNV của mình vì thực tế CBNV Ngân hàng vi phạm quy định nội bộ chứ không phải vi phạm quy định của pháp luật.

Đây có thể là một “khoảng trống” mà các cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng “hành lang pháp lý ” bằng các quy định rõ ràng, cụ thể, bảo đảm việc các cơ quan tố tụng quy buộc đúng người đúng tội, tránh oan sai khi xử lý các hành vi phạm tội.

  1. Hành vi phạm tội, hậu quả và mối quan hệ với hành vi phạm tội

3.1 Hành vi phạm tội:

Hành vi phạm vào tội quy định tại Điều 179 BLHS 1999 được quy định cụ thể và trực tiếp là: Cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật; Cho vay quá giới hạn quy định;  Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng.

  1. a) Đối với hành vi cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật:

Trước đây, theo quy định tại Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 85/2002/NĐ-CP ngày 25/10/2002 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các Tổ chức tín dụng thì việc cho vay không có bảo đảm bằng tài sản được quy định cụ thể và chi tiết về các trường hợp áp dụng, điều kiện áp dụng và việc thực hiện cho vay theo quan điểm hạn chế hoặc theo những trường hợp cho vay không có tài sản bảo đảm theo chỉ định của Chính phủ.

Theo đó, hành vi cho vay không có bảo đảm trái quy định pháp luật sẽ được hiểu là những trường hợp CBNV Ngân hàng quyết định cho vay không phù hợp hoặc không đáp ứng đầy đủ các điều kiện cụ thể như cho vay đối với các khách hàng không có tín nhiệm; phương án đầu tư hoặc sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không khả thi, không hiệu quả; không có khả năng tài chính để thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc cho doanh nghiệp vay nhưng không đáp ứng điều kiện cho vay như phải kinh doanh có lãi trong hai năm liền kề với thời điểm xem xét cho vay gây hậu quả nghiêm trọng thì từng trường hợp cụ thể có thể bị Cơ quan tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự theo hành vi thuộc Điểm a khoản 1 Điều 179 BLHS.

Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay thay thế Nghị định số 178 nêu trên thì không có quy định cụ thể về việc cho vay không có bảo đảm bằng tài sản. Nguyên nhân có sự thay đổi này là do sự phát triển rất đa dạng của các Ngân hàng thương mại mà trong đó vốn chủ sở hữu không chỉ thuộc về Nhà nước mà còn có sự góp vốn của tổ chức, cá nhân khác.

Hoạt động kinh doanh của các Ngân hàng hiện nay rất đa dạng về nghiệp vụ cũng như khách hàng. Do vậy, việc không quy định cụ thể về cho vay không có tài sản bảo đảm sẽ tạo điều kiện mở cho các Ngân hàng trong việc quyết định dịch vụ cho vay và các chính sách tín dụng để thu hút khách hàng, tăng lợi nhuận và phát triển mạnh mẽ.  Mặt khác, đánh giá theo quy định pháp luật thì về bản chất ngân hàng cũng là một doanh nghiệp hoạt động theo luật Doanh nghiệp nên việc quyết định hoạt động kinh doanh, tức cho vay không có bảo đảm như thế nào là quyền của Doanh nghiệp - Ngân hàng đó.

Nghị định số 163 chỉ quy định một mục riêng về việc cho vay tín chấp (vay bằng uy tín) với một số đối tượng, trường hợp cụ thể. Đến nay, Nghị định 163 vẫn chưa có Thông tư, Quyết định hay văn bản hướng dẫn khác của NHNN VN và các cơ quan Nhà nước khác có liên quan. Như vậy, về bản chất việc vi phạm theo hành vi cho vay không có bảo đảm trái pháp luật như điều luật nêu đến nay, hầu như chỉ còn để tham khảo, thực tế theo đánh giá và tổng hợp của tác giả thì từ ngày Nghị định số 163 ra đời và có hiệu lực từ tháng 01/2007 đến nay, chưa thấy có trường hợp nào CBNV Ngân hàng bị khởi tố, truy tố và tuyên án theo hành vi thuộc Điểm a khoản 1 Điều 179 BLHS.

 

  1. b) Đối với hành vi cho vay quá giới hạn quy định:

Hiện nay, chưa có văn bản cụ thể nào của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chính thức khẳng định thế nào là cho vay quá giới hạn. Giới hạn ở đây được hiểu là giới hạn gì ? Giới hạn cho vay theo quy định hay là giới hạn cho vay của ngân hàng ? Phân tích hai trường hợp sau, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về giới hạn nêu trên:

- Giới hạn cho vay theo quy định hay còn gọi là mức cho vay là việc căn cứ vào nhu cầu vay vốn và khả năng hoàn trả nợ của khách hàng và nguồn vốn của mình, Ngân hàng sẽ quyết định mức cho vay.

Theo quy định thì tổng mức cho vay tối đa đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của Ngân hàng, trừ trường hợp đối với những khoản cho vay từ nguồn ủy thác của Chính phủ, của các tổ chức và cá nhân hoặc được phép của của Thủ tướng Chính phủ đối với từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, nếu khách hàng có nhu cầu vượt quá mức cho vay của mình thì Ngân hàng có thể hợp vốn với các Ngân hàng để cho vay.

Đối với một số đối tượng đặc biệt theo quy định như tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên, thanh tra viên (đang thực hiện nhiệm vụ tại Ngân hàng cho vay) và kế toán trưởng, cổ đông lớn của Ngân hàng cho vay thì mức cho vay tối đa chỉ là 5% vốn tự có của Ngân hàng cho vay.

Đối với trường hợp cho vay tại các Phòng Giao dịch trực thuộc Chi nhánh Ngân hàng thì tại Quyết định số 13/2008/QĐ-NHNN ngày 29/4/2008 Thống đốc NHNN VN đã có hướng dẫn rõ: đối với một khách hàng chỉ cho vay tối đa đến hai tỷ Đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ quy đổi tương đương, trừ trường hợp khoản cấp tín dụng được bảo đảm toàn bộ bằng: tiền, vàng, thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá do chính ngân hàng thương mại phát hành, trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc Nhà nước.

- Giới hạn cho vay của Ngân hàng hay còn gọi là mức cho vay tối đa trên cơ sở giá trị tài sản bảo đảm theo Quy chế cho vay, Quy trình nhận và đánh giá tài sản bảo đảm của mỗi Ngân hàng. Đến nay, chưa có quy định cụ thể về tỷ lệ hay mức cho vay đối với tài sản bảo đảm là bao nhiêu mà hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách cho vay, sự nhận định, đánh giá thị trường của Ngân hàng cho vay và tài sản bảo đảm cụ thể cũng như phương án kinh doanh, đầu tư, khả năng tài chính, hoàn trả vốn vay của khách hàng để xây dựng lên mức cho vay này.

Theo Quy chế cho vay và Quy chế về bảo đảm tiền vay của một số Ngân hàng hiện nay thì giới hạn cho vay trên giá trị tài sản bảo đảm thường được quy định là: Cho vay từ 80% đến 100% giá trị tài sản khi nhận bảo đảm là tiền mặt ký quỹ, số dư tài khỏan, sổ tiết kiệm, giấy tờ có giá, tín phiếu kho bạc, trái phiếu chính phủ; Cho vay đến 70% giá trị tài sản khi nhận bảo đảm là chứng chỉ tiền gửi, nhà ở, quyền sử dụng đất, tài sản khác gắn liền với đất; tàu biển, tàu bay; Cho vay từ 50% đến 60% giá trị tài sản khi nhận bảo đảm là phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất....

Như vậy, qua phân tích trên cho thấy giới hạn cho vay được tính theo quy định của pháp luật là 5%, 15% vốn tự có của Ngân hàng cho từng đối tượng cụ thể hoặc không vượt quá 2 tỷ đồng đối với Phòng Giao dịch trừ những trường hợp theo quy định và giới hạn cho vay của Ngân hàng trên giá trị tài sản bảo đảm là từ 50% đến 100% đối với từng tài sản bảo đảm cụ thể. Theo đó, khi cho vay vượt quá giới hạn, tỷ lệ trên đối với từng đối tượng cụ thể gây hậu quả nghiêm trọng thì tùy từng trường hợp có thể bị Cơ quan tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự theo hành vi thuộc Điểm b khoản 1 Điều 179 BLHS.

  1. c) Đối với hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng:

Nếu quy định về hành vi cho vay không có tài sản bảo đảm và quy định về hành vi cho vay quá giới hạn như phân tích trên khá cụ thể và rõ ràng thì quy định về hành vi nêu tại Điểm c Khoản 1 Điều 179 này hoàn toàn ngược lại. Có nhiều người cho rằng quy định tại điểm trên như  “cái túi” để nhét tất cả các hành vi được cho là vi phạm quy định của pháp luật về cho vay của CBNV Ngân hàng vào. Quy định chung chung, không cụ thể nhưng là quy định mà phần nhiều CBNV Ngân hàng bị áp dụng để truy cứu trách nhiệm hình sự nhất.

Hành vi vi phạm có thể là quyết định cho vay vượt quá thẩm quyền; nhận định, đánh giá tài sản bảo đảm không căn cứ hoặc căn cứ không đúng; thẩm định hồ sơ cho vay không đúng; kiểm tra sau trước, trong và sau cho vay không đúng; kiểm tra tài sản bảo đảm không đúng, không đầy đủ; thẩm định, kiểm tra hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính khách hàng không đúng, không đầy đủ theo Quy chế, quy trình và quy định cho vay của Ngân hàng;…rất nhiều và rất nhiều hành vi có thể bị quy vào “hành vi khác” thuộc quy định trên.

Ví dụ: Việc thẩm định, đánh giá hồ sơ vay vốn, tình hình hoạt động, kinh doanh và tài chính của khách hàng trước, trong và sau khi cho vay không được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật nhưng được Ngân hàng quy định khá rõ ràng và cụ thể về nguyên tắc, quy trình, thủ tục và phương pháp thẩm định, đánh giá để quyết định cho vay, giám sát sau cho vay,…

Do vậy, bản thân các CBNV Ngân hàng là người phải nắm rõ nhất trình tự, thủ tục thẩm định, đánh giá này và việc cố ý vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì từng trường hợp có thể bị Cơ quan tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự theo hành vi thuộc Điểm c khoản 1 Điều 179 BLHS.

  • Hậu quả và mối quan hệ của hậu quả với hành vi phạm tội:

Theo quy định của BLHS 1999 thì hậu quả đối với tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động Ngân hàng là hậu quả nghiêm trọng và hậu quả xảy ra là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu hậu quả chưa nghiêm trọng thì người có hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động Ngân hàng chưa phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trước đây, theo Bộ luật hình sự năm 1985 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì: Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng là gây hậu quả nghiêm trọng; Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ đồng là gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ đồng trở lên là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, BLHS 1999 hiện hành và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định chi tiết, cụ thể về việc xác định mức thiệt hại bao nhiêu được hiểu là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động Ngân hàng gây ra để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hiện nay, có nhiều chuyên gia cho rằng trên thực tiễn khi xét xử người có hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động Ngân hàng theo Điều 179 BLHS 1999, các cơ quan tố tụng đã sử dụng các quy định về việc xác định mức thiệt hại theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 hướng dẫn về việc áp dụng một số quy định tại Chương 14 “Các tội xâm phạm sở hữu” của BLHS 1999 để truy cứu trách nhiệm hình sự . Theo đó, xác định gây thiệt hại nghiêm trọng là từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; gây nghiêm trọng rất nghiêm trọng là từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng và gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng là từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, đến nay tác giả chưa tìm được Bản án hình sự nào đã tuyên có nói áp dụng như trên.

Về nguyên tắc chung, để xem xét trong trường hợp nào hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng phải đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ các hậu quả thiệt hại về tài sản và các thiệt hại phi vật chất như làm ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách kinh tế của Nhà nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh kinh tế và việc thực hiện chính sách kinh tế...

Tuy nhiên, trên thực tế các trường hợp CBNV Ngân hàng khi bị xét xử về hành vi vi phạm quy định về cho vay đều căn cứ vào thiệt hại thực tế là số tiền của Ngân hàng bị chiếm đoạt, sử dụng, bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại trái phép để truy cứu trách nhiệm hình sự là chính còn các thiệt hại phi vật chất cũng chỉ xem xét để đánh giá khi lượng hình, định tội trong một số trường hợp phạm tội cụ thể.

Mối quan hệ giữa hậu quả và hành vi phạm tội cần được đánh giá là mối quan hệ thống nhất, từ hành vi cho vay không có bảo đảm, vượt quá giới hạn cho vay hoặc thực hiện các hành vi khác trong hoạt động cho vay của ngân hàng đã trực tiếp dẫn tới hậu quả gây thiệt nghiêm trọng đến tài sản Ngân hàng, tài sản Ngân hàng có thể là số tiền vốn vay bị chiếm đoạt, bị làm dụng, bị sử dụng sai mục đích hoặc các tài sản khác bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại theo từng hành vi phạm tội cụ thể.

  1. Lỗi, động cơ và mục đính phạm tội.

Lỗi: Các CBNV Ngân hàng bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động Ngân hàng khi thực hiện hành vi của mình là cố ý, tức nhận thức rõ việc thẩm định, đánh giá, xem xét cho vay của mình là không đúng quy trình, quy chế cho vay của Ngân hàng hoặc quyết định cho vay vượt quá thẩm quyền theo quy định của Ngân hàng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng nhưng mong muốn cho hậu quả đó xẩy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả đó xẩy ra.

Động cơ và mục đích phạm tội: Động cơ và mục đích của CBNV Ngân hàng khi thực hiện hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của Ngân hàng không phải là dấu hiệu bắt buộc để xem xét có phạm vào tội quy định trong BLHS 1999 hay không. Tuy nhiên, thực tế khi xem xét đến các vụ án xét xử CBNV Ngân hàng liên quan đến hành vi vi phạm này thì động cơ vụ lợi cá nhân nhằm được hưởng lợi từ hoa hồng, phần trăm (%) hoặc lại quả từ Khách hàng vay vốn là chính, ngoài ra, cũng có thể là động cơ khác như nể nang, giúp đỡ hoặc do là bạn bè, quen biết…còn động cơ, mục đích phá hoại chính sách kinh tế, tài chính của Nhà nước hoặc mục đích là phá hoại ngân hàng trên thực tế khó có thể xẩy ra.

  1. Hình phạt.

Hình phạt trong tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của Ngân hàng không có hình phạt tù chung thân và tử hình, hình phạt chính có từ phạt tiền và tù có thời hạn chỉ từ một năm đến cao nhất là 20 năm tù theo từng mức độ, hành vi phạm tội và hậu quả gây ra. Hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng của Ngân hàng, cụ thể:

CBNV Ngân hàng nào mà có hành vi cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật, cho vay quá giới hạn quy định vi phạm quy định hoặc có hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng Ngân hàng thì bị bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ một đến bảy năm.

Các hành vi trên nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm, nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Ngoài ra, nếu phạm tội còn có thể bị các hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng từ 1 năm đến 5 năm.

Kết luận.

Qua phân tích, đánh giá tổng quát về nội dung và các quy định của Điều 179 BLHS 1999 cũng như thực tiễn nghiệp vụ trong hoạt động Ngân hàng nêu trên, Tác giả thấy rằng, mỗi CBNV làm việc trong Ngân hàng cần hiểu rõ, hiểu đúng, biết và nắm vững quy định của Điều 179 BLHS 1999 và các quy định pháp luật, văn bản hướng dẫn liên quan về điều luật trên để tránh những rủi ro trong khi làm việc, vừa là tránh rủi ro cho bản thân vừa là thực hiện tốt công tác phòng tránh rủi ro cho chính ngân hàng mình làm việc.

Mặt khác, các Ngân hàng cũng nên có chương trình giảng dạy, tổ chức các buổi trao đổi để trang bị cho CBNV Ngân hàng mình những kiến thức cơ bản nhất về tội và hành vi phạm vào tội này - Đó chính là một trong những biện pháp phòng tránh rủi ro hữu hiệu trong hoạt động kinh doanh Ngân hàng.

 Luật sư Phan Văn Lãng - 8/2009

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ luật hình sự năm 1985 và Bộ luật hình sự năm 1999;
  2. Luật Ngân hàng và Luật các Tổ chức tín dụng;
  3. Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 85/2002/NĐ-CP ngày 25/10/2002 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay;
  4. Nghị định số 163/2006 ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm của Chính phủ;
  5. Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03/02/2005;
  6. Giáo trình “Luật hình sự Việt Nam” Trường ĐH Luật Hà Nội do Nhà xuất bản Bộ Công an phát hành;
  7. “Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự Việt Nam” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành;
  8. Các báo, Tạp chí và bài viết, nghiên cứu khoa học liên quan.

Liên hệ


Nhập nội dung sau: captcha

Tầng 8 Tòa nhà CT3B - Số 10 Đại lộ Thăng Long, Hà Nội

0982.180.880 - 024.2249.3579

info@luatminhtriet.com

Số lượt truy cập:353976

Đối tác và khách hàng

USOL Vietnam Co.,Ltd
VietCredit
ELCOM
P.AMC
Gỗ An Lạc
Gỗ Việt
WoDesign