MẠN ĐÀM VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ THƯƠNG HIỆU VIETCOMBANK.

25 Mar 2019

Bàn về việc định giá thương hiệu Vietcombank có nhận định “trong điều kiện khi đất nước chưa thoát khỏi tình trạng một nước nghèo, chỉ đang bắt đầu phát triển; thu nhập GDP của cả quốc gia còn rất thấp có khi chưa bằng tài sản của một tổ chức quốc tế đa quốc gia; việc hội nhập vào thương trường quốc tế chỉ mới là bước đầu, khả năng cạnh tranh còn ở hàng cuối sổ và giá trị tài sản thực tế hữu hình của doanh nghiệp “lớn nhất nước” cũng chưa đáng gì so với khu vực và quốc tế” và cho rằng “ Vietcombank nằm chung trong bối cảnh đó” vì vậy, có quan điểm “giá trị tài sản thực tế hữu hình vốn chủ sở hữu của Vietcombank phải làm cơ sở cho việc xác định tài sản vô hình, giá trị thương hiệu Vietcombank” qua đó “khẳng định chắc chắn cái sau không thể lớn hơn cái trước” – (Tạp chí Thị trường - Tài chính tiền tệ số 5 (179) ngày 01/3/2005).

 

Lấy tài sản hữu hình làm cơ sở định giá thương hiệu ?

Có thể nói rằng thương hiệu là “tài sản” có giá trị lớn nhất của doanh nghiệp, khối tái sản hữu hình (TSHH) của doanh nghiệp không thể hiện và không mang tính quyết định đối với khối “tài sản” vô hình (TSVH) – Thương hiệu của doanh nghiệp (theo quan điểm truyền thống TSHH được xem là tài sản chính trong doanh nghiệp, bao gồm giá trị máy móc, thiết bị, nhà xưởng, cơ sở sản xuất kinh doanh, phần lợi nhuận từ vốn góp của doanh nghiệp tại các công ty, …tức là chỉ bảo gồm những tài sản có thể xác định cụ thể được.). Quan điểm cho rằng lấy TSHH để làm cơ sở cho việc xác định TSVH, quyết định giá trị thương hiệu và cho rằng TSVH không thể lớn hơn TSHH là hoàn toàn sai lầm, phi lôgíc và không căn cứ.

 Không thể lấy cái hữu hình để áp đặt và thể hiện cho cái vô hình theo quan niệm “truyền thống” – con không thể hơn cha, khi chính TSVH đó lại có thể làm tăng hơn rất nhiều giá trị mà thực tế TSHH đang có và sẽ có, hiểu một cách đơn giản nhất TSVH chính là sự bảo đảm vô cùng lớn, lớn gấp nhiều lần giá trị mà thực tế TSHH đang có, thương hiệu không thể tạo dựng được một hai ngày hay chuyển nhượng đơn thuần như TSHH và trong mọi trường hợp định giá thương hiệu cần phải có cái nhìn vĩ mô, có tính chiến lược mới có thể đánh giá hết được giá trị mà thương hiệu đem lại cho doanh nghiệp. Thực tế đã chứng minh, các công ty trong nước không có đủ kinh nghiệm và khả năng để có thể đánh giá hết khả năng phát triển cũng như khả năng sinh lợi của một thương hiệu mạnh và cũng khẳng định tài sản vô hình – thương hiệu có thể lớn gấp nhiều lần tài sản hữu hinh. Và không thể là cơ sở có tính quyết định trong việc định giá giá trị thương hiệu.  Xem xét dưới các khía cạnh lịch sử, lý luận và thực tiễn hoạt động cũng như giá trị của thương hiệu Vietcombank trong thời kỳ đổi mới sẽ giúp chúng ta phần nào tự “định giá” được giá trị thương hiệu Vietcombank, cụ thể:

1/ Minh chứng lịch sử.

Có thể nói, trên thế giới cũng như trong nước đã có rất nhiều thương vụ được chuyển nhượng, việc một doanh nghiệp Việt Nam phát triển thương hiệu của mình ra nước ngoài và sẵn sàng bảo vệ thương hiệu đó bằng bất cứ giá nào như doanh nghiệp Cà phê Trung Nguyên đã đánh dấu một bước phát triển mới của tri thức kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Theo một đánh giá thống kê gần đây cho thấy trên 55% doanh nghiệp Việt Nam coi thương hiệu là tài sản lớn nhất của công ty và trên 40% đặt vấn đề bảo vệ và phát triển thương hiệu là kế hoạch hàng đầu trong chiến lược phát triển lâu dài của công ty, lịch sử kinh tế đã chứng minh những nhận định trên là đúng đắn và có tầm nhìn chiến lược.

Năm 1988, nền kinh tế thế giới đã phải ghi nhận vào lịch sử của mình vụ “mua bán” thương hiệu đầu tiên khi tập đoàn thuốc lá quốc tế Philip Moris công bố đã hoàn thiện thủ tục mua lại thương hiệu của công ty Kraft với giá 12,6 tỷ USD, điều bất ngờ nhất không phải vì việc “mua bán ” thương hiệu là chuyện chưa từng có trong tiền lệ mà bất ngờ nhất và là điều không thể tưởng tượng là giá chuyển nhượng, bởi lúc đó, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, toàn bộ TSHH của công ty này chỉ bằng 1/6 giá trị thương hiệu mà công ty đã được mua, chỉ đến khi công ty này trở lại thị trường với sự phát triển vô cùng mạnh mẽ thì các chiến lược gia về phát triển kinh tế và thị trường mới thừa nhận sức mạnh của thương hiệu công ty Kraft có tiềm năng vô cùng lớn và thấy tiếc nuối khi họ là người nhìn ra “sức mạnh” tiềm tàng đó quá muộn.

Nếu vụ chuyển nhượng năm 1988 trên được coi là sự khởi đầu cho “thị trường” chuyển nhượng thương quyền thì năm 2004, thế giới đã chứng kiến một thương vụ động trời trong thế giới tin học khi tập đoàn máy tính Lenovo của Trung quốc thông báo đã đàm phán thành công và được phép sử dụng thương hiệu và nhãn hiệu của IBM (một tập đoàn khổng lồ trong lĩnh vực máy tính xách tay của Mỹ) trong 5 năm với giá kỷ lục về giá trị “TSVH” là1 tỷ 250 triệu USD, không những thế, trong bản hợp đồng cũng khẳng định rõ Lenovo phải gánh vác khoản nợ không dưới 500 triệu USD cũng như phải tiếp quản 10.000 nhân viên của IBM và theo ước tính của giới chuyên môn thực tế con số cuối cùng mà Lenovo phải bỏ ra cho thương vụ này là 1,750 tỉ USD - con số khổng lồ cho một thương hiệu. Tuy nhiên, “đắt sắt ra miếng” bởi theo các chuyên gia kinh tế – thị trường thì trong vụ chuyển nhượng này, giá bán 1 tỷ 250 triệu USD cùng các điều kiện khắc nghiệt đi kèm (chỉ được sử dụng trong 5 năm ) như vậy vẫn là quá thuận lợi cho Lenovo và họ đánh giá rằng ngoài mục tiêu và danh tiếng dự kiến Lenovo sẽ tăng thêm doanh thu 12 tỉ USD mỗi năm, năng lực sản xuất máy tính cá nhân sẽ tăng khoảng 4 lần, từ 3 triệu lên 12 triệu máy tính mỗi năm - Đây chính là giá trị tăng thêm của thương hiệu mà TSHH không thể có.

Ở trong nước, chúng ta không thể quên thương vụ chuyển nhượng đầu tiên được tiến hành “âm thầm và lặng lẽ” nhưng làm “bừng tỉnh” một cách mạnh mẽ các doanh nghiệp trong nước về chiến lược phát triển và bảo vệ thương hiệu của mình, đó là thương hiệu kem đánh răng P/S đã được hãng Unilever định giá và mua đứt với giá “khổng lồ” - 5 triệu USD, để sau đó P/S tràn ngập thị trường Việt Nam nhưng thuộc sở hữu của Unilever (tập đoàn đa quốc gia, đa lĩnh vực với hơn 1.600 thương hiệu độc quyền trên toàn thế giới).

Với những minh chứng lịch sử như trên, chúng ta có thể khẳng định TSVH có thể lớn hơn rất nhiều lần TSHH và một lần nữa khẳng định TSHH không thể là cơ sở có tính quyết định trong việc định giá giá trị thương hiệu, đặc biệt là những thương hiệu có phạm vi chi phối và tầm ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động của thị trường chuyên môn cũng như nền kinh tế của quốc gia như thương hiệu Vietcombank của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

2/ Cơ sở pháp lý.

Cho tới thời điểm hiện nay, trong hệ thống pháp luật Việt Nam chưa hề có bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về khái niệm thương hiệu cũng như các cơ sở pháp lý để thương hiệu, việc chuyển nhượng thương hiệu đi sâu vào nền kinh tế. Trong một phiên họp Quốc Hội gần đây, vấn đề có nên quy định cho phép chuyển nhượng thương hiệu (thương quyền) trong Luật Thương Mại hay không đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra bàn luận và kết luận: để tránh chồng chéo Luật Thương Mại sẽ không quy định về thương hiệu, vấn đề thương hiệu sẽ được quy định cụ thể trong dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sắp được trình Quốc hội  thông qua trong thời gian tới).

Trở lại vấn đề định giá thương hiệu Vietcombank. khi không có luật quy định cụ thể về cơ sở xác định giá trị thương hiệu, nhưng vấn đề định giá thương hiệu vẫn được đặt ra khi cả nước đang tiến hành cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và cho tới nay, về cơ bản vấn đề định giá doanh nghiệp Nhà nước đều được thực hiện theo Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ quy định về việc chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần (NĐ 187 )và Thông tư 126/2004/TT-BTC của Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 187 (TT 126 ) nên vấn đề định giá thương hiệu của doanh nghiệp cũng không ngoài phạm vi của NĐ 187 và TT 126 nói trên. Tuy nhiên, việc cổ phần hoá từ trước tới nay đều được áp dụng cho các doanh nghiệp yếu với tin tưởng sẽ “khai sinh ” lại cho doanh nghiệp đó, nhưng khi áp dụng các quy định trên cho Vietcombank – một doanh nghiệp mạnh, doanh nghiệp đặc biệt có tầm ảnh hưởng vô cùng quan trọng tới sự bình ổn và phát triển kinh tế của cả nước thì vấn đề lại hoàn toàn khác.

Trong cuộc làm việc gần đây nhất giữa Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng với Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam ngày 31/01/2005 về vấn đề thí điểm cổ phần hoá Vietcombank sẽ được thực hiện trong năm 2005 với các nội dung chính là cổ phần hoá Vietcombank để xây dựng “Vietcombank thành một tập đoàn tài chính đầu tiên ở Việt Nam”; “Nhà nước giữ cổ phần chi phối tại Vietcombank ”,…Về vấn đề định giá thương hiệu Vietcombank, với chi phí 500 triệu theo quy định hiện hành, cũng như năng lực của các công ty định giá trong nước không đủ khả năng cả về kinh nghiệm và trình độ trong việc định giá thương hiệu Vietcombank, về vấn đề này, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng về việc cho phép Vietcombank được thuê tư vấn quốc tế để định giá thương hiệu Vietcombank, theo thủ tướng việc cổ phần hoá Vietcombank sẽ được tiến hành từng bước, vừa làm vừa bổ sung cả thể chế lẫn cách làm, với nguyên tắc thí điểm – cho phép làm khác quy định hiện hành, lấy đó làm thông lệ cho việc cổ phần hoá cho các doanh nghiệp về sau (Điều này đã được Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng và thống đỗc Ngân hàng Nhà nước khẳng định ).

Như vậy, vấn đề định giá thương hiệu Vietcombank nói riêng và việc xác định tổng giá trị tài sản của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam nói chung về nguyên tắc đã được xác định là vấn đề phức tạp và còn rất mới nên trong quá trình thực hiện cần vừa làm vừa hoàn thiện, được phép làm thí điểm, làm khác với các quy định pháp luật hiện hành. Qua đó, cũng có thể là một khẳng định cho vai trò đặc biệt của Vietcombank trong hệ thống các Ngân hàng thương mại nói riêng cũng như nền kinh tế - tài chính nói chung.

3/ Và cơ sở thực tiễn.

Được thành lập ngày 01/4/1963, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam với lịch sử hơn 40 năm phát triển mạnh mẽ, luôn giữ vai trò chủ lực trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, được Nhà nước xếp hạng doanh nghiệp đặc biệt, là ngân hàng thương mại phục vụ lâu đời nhất, luôn được các doanh nghiệp lựa chọn và có uy tín nhất trong các lĩnh vực tài trợ, thanh toán xuất nhập khẩu, bảo lãnh, kinh doanh ngoại hối và các dịch vụ tài chính ngân hàng quốc tế,  nhìn qua bảng thành tích mà Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã đạt được, chúng ta sẽ thấy được sự trưởng thành và tương lai phát triển mạnh mẽ của Vietcombank:

- Là Ngân hàng thương mại đầu tiên tại Việt Nam quản lý vốn tập trung;

- Là Trung tâm thanh toán ngoại tệ liên ngân hàng của trên 100 ngân hàng trong nước và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam;

- Là Ngân hàng thương mại đầu tiên hoạt động kinh doanh ngoại tệ, luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng;

- Là thành viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Châu Á, Tổ chức thanh toán toàn cầu Swift, Tổ chức thẻ quốc tế Visa, Master Card;

- Là Ngân hàng thương mại đầu tiên phát hành và thanh toán thẻ quốc tế Visa, Master Card và là đại lý thanh toán thẻ lớn nhất tại Việt Nam: Visa, America Express, Master Card, JCB…Hiện là Ngân hàng độc quyền phát hành thẻ America Express tại Việt Nam;

- Là đại lý thanh toán chuyển tiền nhanh toàn cầu Money Gram lớn nhất tại Việt Nam;

- Là Ngân hàng chiếm tỷ trọng thanh toán xuất nhập khẩu và bảo lãnh lớn nhất Việt Nam;

- Là Ngân hàng duy nhất tại Việt Nam đạt tỷ lệ trên 95% điện Swift được xử lý hoàn toàn tự động theo tiêu chuẩn Mỹ;

- Là Ngân hàng liên tiếp trong 8 năm liền từ 1996 đến 2003 được công nhận là Ngân hàng có dịch vụ tốt nhất về thanh toán Swift theo tiêu chuẩn quốc tế;

- Được chọn làm Ngân hàng chính trong việc quản lý và phục vụ cho các khoản vay nợ, viện trợ của Chính phủ và nhiều dự án ODA tại Việt Nam;

- Là Ngân hàng thương mại hàng đầu trong lĩnh vực tài trợ thương mại, thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại hối, ứng dụng công nghệ vào hoạt động Ngân hàng;

- Là Ngân hàng thương mại duy nhất tại Việt Nam được tạp chí “the Banker” một tạp chí Ngân hàng nổi tiếng trong giới tài chính quốc tế của Anh bình chọn là “Ngân hàng tốt nhất của Việt Nam ” trong 5 năm lien tiếp (từ 2000 đến 2004);

- Là Ngân hàng thương mại Việt Nam đầu tiên có các văn phòng, chi nhánh đại diện tại Nga, Pháp, Hồng Kông và Singapore;

- Tính đến 12/2004 tổng nguồn vốn của Vietcombank đạt 120.000 tỷ đồng, được đánh giá là Ngân hàng thương mại đi đầu trong việc cải tiến và phát triển công nghệ hiện đại.

 

            Đánh giá và phát biểu tại Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2004 và triển khai nhiệm vụ năm 2005, Thống đốc  Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thuý nhấn mạnh: “Có thể nói Vietcombank đã lành mạnh hoá thành công về tài chính, xử lý tốt nợ tồn đọng, các dịch vụ đa năng của Ngân hàng đã phát huy hiệu quả cao, đồng vốn được sử dụng hiệu quả, tạo ra lợi nhuận mang lại những lợi ích cho nền kinh tế. Những thành quả mà Ngân hàng Ngoại thương đã đạt được đóng góp xứng đáng vào thành quả chung của đất nước trong năm qua, góp phần tạo môi trường vĩ mô ổn định cho nên kinh tế…” (Tạp chí Ngân hàng Ngoại thương số 3/2005).

            Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, những mục tiêu hướng tới xây dựng Vietcombank thành tập đoàn tài chính đa năng, với lợi thế trong việc tiếp cận, cung cấp các giải pháp tài chính trọn gói bao gồm cả việc đầu tư trực tiếp dưới dạng góp vốn vào các doanh nghiệp khác, ban lãnh đạo Vietcombank đã đề cập tới việc triển khai thành lập các đơn vị như: Công ty Bảo hiểm nhân thọ; Công ty Quản lý quỹ đầu tư; Công ty Tài chính và chuyển tiền tại Hoa Kỳ; Công ty Quản lý vốn đầu tư bất động sản; Công ty Thẻ; Công ty chuyển mạch thẻ quốc gia; Trung tâm dịch vụ tin học ngân hàng;…

 

            Từ những thành tựu như trên đã khẳng định thương hiệu Vietcombank - Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam là một thương hiệu lớn, việc cổ phần hoá Vietcombank vẫn phải đảm bảo cho Vietcombank phát triển liên tục, ngày càng mạnh mẽ hơn và trở thành một tập đoàn tài chính hàng đầu quốc gia.

            Qua những căn cứ và phân tích như trên, có thể khẳng định quan điểm cho rằng “giá trị tài sản thực tế hữu hình vốn chủ sở hữu của Vietcombank phải làm cơ sở cho việc xác định TSVH, giá trị thương hiệu Vietcombank” qua đó “khẳng định chắc chắn cái sau không thể lớn hơn cái trước” và lấy đó làm nguyên tắc căn bản là không hợp lý, không căn cứ.

Việc xác định các cơ sở đánh giá giá trị thương hiệu Vietcombank có ý nghĩa vô cùng to lớn tới sự phát triển của Vietcombank nói riêng và toàn bộ hệ thống Ngân hàng Việt Nam nói chung, định giá thương hiệu nếu quá lớn với thực tế có thể gây áp lực cho Vietcombank và các nhà đầu tư nhưng nếu định giá giá trị thương hiệu nhỏ hơn với thực tế giá trị, tài sản mà thương hiệu có thể mang lại cho Vietcombank sẽ là bất lợi và gây thiệt hại không nhỏ cho Vietcombank. Hy vọng những nhà hoạch định chính sách và cầm lái con tàu Vietcombank lưu tâm tới việc định giá giá trị thương hiệu Vietcombank -  vấn đề tuy “không lớn” nhưng có tính quyết định không nhỏ tới tương lai của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam./.

Phan Lãng - 3/2005

Liên hệ


Nhập nội dung sau: captcha

Tầng 8 Tòa nhà CT3B - Số 10 Đại lộ Thăng Long, Hà Nội

0982.180.880 - 024.2249.3579

info@luatminhtriet.com

Số lượt truy cập:354001

Đối tác và khách hàng

USOL Vietnam Co.,Ltd
VietCredit
ELCOM
P.AMC
Gỗ An Lạc
Gỗ Việt
WoDesign