TỘI THIẾU TRÁCH NHIỆM GÂY THIỆT HẠI NGHIÊM TRỌNG ĐẾN TÀI SẢN CỦA NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG.

25 Mar 2019

Nếu như tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các Tổ chức tín dụng” quy định tại Điều 179 BLHS 1999 mà tác giả đã trình bày ở bài viết trước mang đặc trưng pháp lý của các hành vi phạm tội liên quan trực tiếp đến hoạt động nghiệp vụ của CBNV Ngân hàng thì “Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” quy định tại Điều 144 BLHS 1999 lại là tội mà trên thực tế các CBNV Ngân hàng dễ bị xem xét và truy cứu trách nhiệm hình sự nhất, mặc dù điều luật đọc lên không có một từ ngữ nào liên quan đến cán bộ Ngân hàng hay hoạt động cho vay của các Tổ chức tín dụng.

Theo quy định tại Điều 144 của BLHS 1999 về Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước thì “Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

  1. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
  2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
  3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý tài sản của Nhà nước từ một đến năm năm.”

 

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TRONG NGÂN HÀNG

Theo quy định trên, hành vi phạm tội trong tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” là hành vi của người có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước thì tùy giá trị thiệt hại có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Ở tội này, hành vi phạm tội rất rộng, không đặc trưng về nghiệp vụ ngân hàng nhưng lại liên quan đến tài sản của Nhà nước mà hiện nay các Ngân hàng thương mại cổ phần đều có tài sản của Nhà nước với tỷ lệ nhất định. 

Từ điều luật trên và từ thực tiễn tổ chức, hoạt động của các Ngân hàng hiện nay, chúng ta sẽ thấy rõ mối liên hệ giữa hoạt động kinh doanh của Ngân hàng, hoạt động nghiệp vụ của CBNV Ngân hàng với “tài sản Nhà nước” có tính quyết định đến việc xem xét trách nhiệm hình sự của CBNV Ngân hàng. Vậy, Tài sản của Nhà nước trong Ngân hàng được xác định như thế nào ?

Hiện nay, ngoài số ít các Ngân hàng thương mại Nhà nước đang hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Công Thương Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam… thì đa số các Ngân hàng còn lại là các Ngân hàng thương mại cổ phần, hoạt động theo hình thức Công ty cổ phần của Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Đối với các Ngân hàng thương mại Nhà nước mà vốn chủ sở hữu 100% là của Nhà nước thì không cần phải xác định tài sản nào là tài sản của Nhà nước. Còn đối với các Ngân hàng thương mại cổ phần, có nhiều cổ đông, trong đó có cổ đông là các doanh nghiệp nhà nước, thì tài sản Nhà nước trong khối tài sản chung được xác định dựa trên tỷ lệ vốn góp vào Vốn điều lệ của Ngân hàng cổ phần đó.

Về mặt pháp lý, Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng và các văn bản hướng dẫn thi hành mới chỉ quy định về vốn góp và người đại diện, quản lý vốn góp của các Doanh nghiệp Nhà nước tại các Ngân hàng, còn vấn đề xác định chi tiết, cụ thể về “tài sản Nhà nước” trong Ngân hàng thương mại cổ phần như thế nào thì chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định. Mới đây, theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 59/2009/NĐ-CP ngày 16/07/2009 về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng thương mại có hiệu lực kể từ ngày 15/09/2009 thì “Ngân hàng thương mại Nhà nước là ngân hàng thương mại trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Ngân hàng thương mại Nhà nước bao gồm ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ”.

CĂN CỨ BUỘC TỘI

Việc xác định tỷ lệ vốn góp của Nhà nước tại một ngân hàng thương mại cổ phần là một yếu tố vô cùng quan trọng để cơ quan điều tra lấy đó làm căn cứ định tội cán bộ Ngân hàng, vì dựa trên tỷ lệ vốn góp của nhà nước và thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, cơ quan tố tụng sẽ tính được mức độ thiệt hại đến tài sản Nhà nước.

Tuy nhiên, vốn góp của các doanh nghiệp nhà nước tại các Ngân hàng thương mại cổ phần thường xuyên thay đổi do có sự mua bán, chuyển nhượng hoặc theo lộ trình tăng, giảm vốn điều lệ của các Ngân hàng nên tỷ lệ vốn góp trên thực tế cũng thay đổi theo, đồng nghĩa tài sản Nhà nước cũng thay đổi và sự thiệt hại của tài sản Nhà nước trong vụ án hình sự cụ thể đang được xem xét (nếu có) cũng sẽ thay đổi theo tỷ lệ này.

               Thực tiễn, trong các vụ án hình sự xét xử CBNV Ngân hàng có hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước trong thời gian qua đã cho thấy các cơ quan tố tụng có thẩm quyền đã lấy giá trị của tổng số cổ phần, vốn góp của các doanh nghiệp Nhà nước trong vốn điều lệ của Ngân hàng tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm làm căn cứ buộc tội và truy cứu trách nhiệm hình sự CBNV Ngân hàng[1] liên quan.

 

PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ VỀ NỘI DUNG ĐIỀU LUẬT

Đi sâu vào phân tích, đánh giá cụ thể, chi tiết nội dung các điều, khoản, điểm của điều luật về “ Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” quy định tại Điều 144 BLHS 1999 sẽ cho chúng ta thấy rõ nguyên nhân vì sao ngoài quy định cụ thể và trực tiếp như Điều 179 BLHS về Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của Ngân hàng thì các CBNV Ngân hàng lại dễ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quy định tại Điều 144 BLHS 1999.

  1. Người thực hiện hành vi phạm tội: Người thực hiện hành phạm tội là cá nhân đủ độ tuổi luật định, có năng lực trách nhiệm hình sự và đã thực hiện hoặc không thực hiện hành vi theo quy định thuộc trách nhiệm được giao, được phân công của mình gây thiệt hại tài sản cho Ngân hàng.

               Ở Điều luật này, Người thực hiện hành vi phạm tội là người có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Ngân hàng. Đây là dấu hiệu bắt buộc về người thực hiện hành vi phạm tội trong cấu thành tội phạm.

Người có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản Ngân hàng là người được giao quyền trong việc chiếm hữu, sử dụng hoặc quản lý tài sản nhất định bằng các hình thức như trông giữ, vận chuyển, khai thác lợi ích, giá trị sử dụng của tài sản… Những người này có thể do bầu cử, do bổ nhiệm, do ký hợp đồng hoặc được phân công, được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản của Ngân hàng. Đối với những người không được giao, không được phân công, không có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Ngân hàng nhưng gây thiệt hại cho Ngân hàng thì không phạm vào tội này mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 BLHS 1999.

               Ở tội này, người thực hiện hành vi phạm tội đa dạng hơn rất nhiều so với tội vi phạm quy định về cho vay. Bởi trong hoạt động kinh doanh của các Ngân hàng thương mại hiện nay, hoạt động nghiệp vụ rất đa dạng, mà phần lớn đều có liên quan đến tài sản của Ngân hàng, như tiền, tài sản cố định, giấy tờ có giá, ngoại tệ…. chẳng hạn như đối với nghiệp vụ cho vay, huy động vốn đó có thể là Cán bộ tín dụng, Lãnh đạo phụ trách tín dụng (Trưởng/phó trưởng phòng) và Lãnh đạo trực tiếp phê duyệt cho vay vốn (Giám đốc/Phó Giám đốc); đối với nghiệp vụ, dịch vụ ngân hàng khác như hoạt động kho quỹ, kế toán, giao dịch khách hàng thì nhân viên giao dịch, kho quỹ, kế toán và các lãnh đạo phụ trách trực tiếp các nhân viên nghiệp vụ...là người quản lý trực tiếp tài sản của Ngân hàng theo chức năng, nhiệm vụ được giao quy định trong quy trình, quy chế tương ứng với từng nghiệp vụ.

               Tuy nhiên, trên thực tế theo tổng hợp của tác giả thì các CBNV Ngân hàng thực hiện các hành vi vi phạm liên quan đến nghiệp vụ cho vay là dễ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự vè tội này hơn cả. 

  1. “Quy định” bị vi phạm ?

      Quy định bị vi phạm chung nhất là các quy định của Nhà nước về chế độ sở hữu của Nhà nước. Quy định bị vi phạm trực tiếp trong tội này là các quy định của Nhà nước trong công tác quản lý tài sản.

Trong hoạt động Ngân hàng, các quy định này được thể hiện trong các nguyên tắc, chính sách, chế độ liên quan đến việc quản lý tài sản của Ngân hàng như: chế độ cho vay, chế độ thanh toán, quản lý, thu chi tiền mặt, quản lý kho tiền, chế độ vận chuyển tiền, giấy tờ có giá, xuất nhập kho quỹ…Các nguyên tắc, chế độ có liên quan đến việc quản lý tài sản cũng có thể là nguyên tắc, chế độ về hành chính, quy định nội bộ như nội quy lao động, quy định, quy trình nghiệp vụ của Ngân hàng.

  1. Hành vi phạm tội, hậu quả và mối quan hệ với hành vi phạm tội

3.1 Hành vi phạm tội:

Hành vi phạm vào tội quy định tại Điều 144 BLHS được quy định là hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Ngân hàng. Thiếu trách nhiệm là hành vi không làm hoặc làm không hết trách nhiệm nên đã gây mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Ngân hàng do mình trực tiếp quản lý.

Có thể thấy rõ, người phạm tội chỉ có hành vi duy nhất là thiếu trách nhiệm, ngữ nghĩa của cụm từ “thiếu trách nhiệm” đã phản ánh và cho chúng ta hiểu rõ bản chất của tội phạm. Tuy nhiên, biểu hiện của hành vi thiếu trách nhiệm khi được phân tích cụ thể, chi tiết hơn sẽ thấy rõ sự khác biệt, tùy thuộc vào nhiệm vụ cụ thể được giao và tùy vào từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể khi xảy ra thiệt hại về tài sản.

Thiếu trách nhiệm là không làm hoặc không làm hết trách nhiệm được giao nên mới gây thiệt hại về tài sản, nếu làm tròn trách nhiệm được giao thì không thể gây ra thiệt hại.

Ví dụ: Quy trình cho vay và quản lý tài sản bảo đảm của Ngân hàng nêu rõ CBNV Ngân hàng phải trực tiếp kiểm tra và chứng kiến việc bàn giao tài sản bảo đảm của khách hàng cho bên thứ ba theo hợp đồng trông giữ tài sản, nhưng CBNV Ngân hàng có trách nhiệm đã không trực tiếp kiểm tra và chứng kiến việc bàn giao tài sản bảo đảm nên khách hàng và bên được thuê trông giữ đã tẩu tán hết tài sản gây thiệt hại nghiêm trọng cho Ngân hàng.

Ở hành vi trên là không làm hết trách nhiệm, nên CBNV Ngân hàng bị cơ quan tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Ngân hàng.

Trường hợp đã làm hết trách nhiệm mà thiệt hại về tài sản vẫn xảy ra thì không phải là thiếu trách nhiệm và CBNV Ngân hàng đó không phạm tội này dù thiệt hại về tài sản là nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng.

Ví dụ: Cũng như trường hợp nêu ở ví dụ trên, nhưng vì CBNV Ngân hàng được giao nhiệm vụ đã thực hiện đúng theo quy trình, đã trực tiếp kiểm tra và chứng kiến việc bàn giao, đồng thời còn lập Biên bản bàn giao ba bên, trong đó quy định rõ trách nhiệm của khách hàng và bên trông giữ tài sản theo hợp đồng trông giữ nhưng do khách hàng và bên trông giữ đã câu kết để ngay khi ký bàn giao từ CBNV Ngân hành đã rút lõi kho và bán tài sản bảo đảm gây thiệt hại cho Ngân hàng. 

Ở trường hợp này, Cơ quan tố tụng xác định có thiệt hại nghiêm trọng cho Ngân hàng nhưng CBNV Ngân hàng đã làm hết trách nhiệm của mình nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

               Tuy nhiên, thực tiễn không ít trường hợp có thiệt hại xảy ra và CBNV Ngân hàng bị quy buộc thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Ngân hàng mặc dù bản thân các CBNV đó đã làm đúng theo quy trình, nghiệp vụ của Ngân hàng.

               Đến nay, vẫn còn nhiều tranh cãi của các chuyên gia pháp luật về những trường hợp quy định của pháp luật và ngay trong quy định nội bộ của Ngân hàng đều không quy định hoặc chưa được quy định cụ thể, chi tiết về một hoạt động, một hành vi hoặc đơn giản chỉ là thủ tục nào đó trong quá trình thực hiện nghiệp vụ của Ngân hàng nhưng các CBNV Ngân hàng vẫn bị truy cứu theo Điều 144 BLHS khi cơ quan tố tụng xác định rằng các CBNV Ngân hàng đã thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho tài sản của Ngân hàng để buộc tội.

Có thể nói, đối với cơ quan tố tụng, cứ gây ra thiệt hại là có sự thiếu trách nhiệm và phải xác định được người thiếu trách nhiệm, đồng nghĩa người vi phạm phải chịu hình phạt vì sự thiếu trách nhiệm đó.

      Ví dụ: Trong nghiệp vụ cho vay: Công ty A trực thuộc Tổng Công ty B có đơn xin vay vốn Ngân hàng để thanh toán tiền Hợp đồng mua gỗ cho đối tác, Hợp đồng được bảo đảm thanh toán bằng chứng thư bảo lãnh của Ngân hàng khác, Cán bộ tín dụng được giao đã thực hiện thẩm định, đánh giá hồ sơ vay của Công ty A theo đúng quy định của pháp luật và quy định nội bộ của Ngân hàng.

Nhưng sau khi Cơ quan điều tra và Cơ quan Giám định của Bộ công an xác định các Hợp đồng mua gỗ, Chứng thư bảo lãnh đều bị Công ty A làm giả để lừa đảo, nên khi thiệt hại xảy ra cán bộ tín dụng bị truy cứu trách nhiệm hình sự do “thiếu trách nhiệm” và một trong những lý do dẫn đến bị truy cứu trách nhiệm hình sự đó là Cán bộ tín dụng đã không kiểm tra, thẩm định đối với trụ sở của Tổng Công ty, không tìm phương án hiệu quả để kiểm tra ngay đối với Hợp đồng mua gỗ và Chứng thư bảo lãnh nên mới bị lừa đảo mặc dù Quy định của pháp luật và Quy định nội bộ của Ngân hàng đều không quy định thời gian thẩm định Hợp đồng, Chứng thư bảo lãnh như thế nào ? không quy định là cho công ty vay thì phải thẩm định, đánh giá đối với Tổng Công ty ?

               Trong những trường hợp nêu trên, khi các quy định còn chưa cụ thể, rõ ràng thì đối với CBNV ngân hàng mà nói, cẩn thận và tuyệt đối thực hiện đúng, chính xác các biện pháp an toàn trong quá trình thực hiện nghiệp vụ để đảm bảo quyền lợi của mình cũng như Ngân hàng là điều tối quan trọng.

 

3.2 Hậu quả và mối quan hệ của hậu quả với hành vi phạm tội:

Theo quy định của BLHS 1999 thì hậu quả đối với tội thiếu trách nhiệm trong hoạt động của Ngân hàng phải là thiệt hại nghiêm trọng, ngoài ra không có thiệt hại nào khác. Nếu hậu quả chưa nghiêm trọng thì người có hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho tài sản của Ngân hàng chưa phải chịu trách nhiệm hình sự.

Thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Ngân hàng chính là giá trị tài sản bị thiệt hại do hành vi thiếu trách nhiệm của CBNV Ngân hàng có nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản gây ra. Thiệt hại về tài sản phải do chính hành vi thiếu trách nhiệm gây ra, nếu thiệt hại đó không phải do chính hành vi thiếu trách nhiệm gây ra thì không được tính để xác định hậu quả của tội thiếu trách nhiệm.

Nếu thiệt hại về tài sản của Ngân hàng không phải là tài sản do người phạm tội trực tiếp quản lý thì không tính vào hậu quả của hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản, mà tùy từng trường hợp cụ thể, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điều 285 BLHS 1999.

  1. Lỗi, động cơ và mục đính phạm tội.

Lỗi: Các CBNV Ngân hàng bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Ngân hàng khi thực hiện hành vi của mình là lỗi vô ý, chứ không phải do lỗi cố ý. Theo các chuyên gia pháp luật khi phân tích các quy định của BLHS về các hình thức của vô ý phạm tội thì có chia thành hai trường hợp phạm tội vì vô ý như sau:

  • Lỗi vô ý vì quá tự tin: là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Ngân hàng, nhưng cho rằng thiệt hại đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
  • Lỗi vô ý vì cẩu thả: là trường hợp người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Ngân hàng, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước.

Cả hai trường hợp phạm tội vì vô ý nêu trên, người phạm tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Ngân hàng đều có thể mắc phải tùy thuộc vào trách nhiệm của họ đối với việc quản lý tài sản và hoàn cảnh, điều kiện cụ thể lúc xảy ra thiệt hại về tài sản của Ngân hàng.

Về nguyên tắc, việc xác định lỗi vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Ngân hàng là bắt buộc nhưng không bắt buộc phải chứng minh là người phạm tội đã có lỗi vô ý vì quá tự tin hay lỗi vô ý vì cẩu thả.

Động cơ và mục đích phạm tội: Động cơ và mục đích của CBNV Ngân hàng khi thiếu trách nhiệm trong việc quản lý tài sản Ngân hàng gây thiệt hại nghiêm trọng phải khẳng định là KHÔNG, tuy nhiên, động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc để xem xét có phạm vào tội quy định tại điều 144 BLHS 1999.

Thực tiễn có thể khẳng định, trong các vụ án xét xử CBNV Ngân hàng liên quan đến hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Ngân hàng thì đều KHÔNG có động cơ vụ lợi hay mục đích cá nhân, đơn thuần chỉ là không hiểu hết trách nhiệm, không lường trước được hậu quả và sự nghiêm trọng trong việc thực hiện hoặc không thực hiện hành vi nào đó theo quy định gây ra thiệt hại và bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

  1. Hình phạt.

Trước đây, Bộ luật hình sự năm 1985 hết hiệu lực từ ngày 01/07/2000 (do BLHS 1999 thay thế) cũng có quy định về “Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của xã hội chủ nghĩa” tại Điều 139, nhưng chỉ khác ở cụm từ “tài sản xã hội chủ nghĩa” so với “tài sản Nhà nước” hiện hành.

Tuy nhiên, theo Bộ luật hình sự năm 1985 thì hình phạt nhẹ hơn rất nhiều, theo đó, nếu phạm tội có thể chỉ bị cải tạo không giam giữ đến 2 năm, với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì tối đa cũng chỉ tù đến 12 năm và không có hình phạt bổ sung, trong khi đó Điều 144 BLHS 1999 quy định nếu phạm tội có thể bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù đến 15 năm và có hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý tài sản của Nhà nước đến 5 năm.

Như vậy, tương tự như hình phạt trong tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của Ngân hàng thì hình phạt trong tội này cũng không có hình phạt tù chung thân, tử hình và không có hình phạt bằng tiền nhưng đều có hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng từ một đến năm năm, cụ thể:

CBNV Ngân hàng nào mà có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác tín dụng, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại về tài sản của Ngân hàng có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Cũng vì thiếu trách nhiệm mà gây thiệt hại cho tài sản của Ngân hàng có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm, gây thiệt hại có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Ngoài ra, nếu phạm tội còn có thể bị các hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng từ 1 năm đến 5 năm.

Khi áp dụng điều luật để xác định tài sản bị thiệt hại cần lưu ý: Giá trị tài sản của Ngân hàng bị thiệt hại là giá trị thị trường tự do vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội và phải có thiệt hại tối thiểu là từ 50 triệu đồng trở lên. Thiệt hại bị mất mát, hư hỏng, lãng phí do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra phải được xác định là không có khả năng thu hồi hoặc không khắc phục được.

Về nguyên tắc, có thể nói cứ có hành vi thiếu trách nhiệm và đã gây thiệt hại tài sản của Ngân hàng thì hành vi thiếu trách nhiệm đã cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, trên thực tế đối với trường hợp do thiếu trách nhiệm mà để người khác chiếm đoạt tài sản và ngay sau khi phát hiện tài sản bị chiếm đoạt đã thu hồi lại được toàn bộ thiệt hại thì tùy từng trường hợp cụ thể, người có hành vi thiếu trácnh nhiệm có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc được áp dụng khung hình phạt với mức thấp nhất, nếu chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể chỉ bị áp dụng hình phạt cảnh cáo.

Ví dụ: CBNV Ngân hàng A vì thiếu trách nhiệm để bọn lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn của Ngân hàng, tuy nhiên, trong quá trình điều tra, CBNV Ngân hàng đã tự mình bắt giữ được bọn lừa đảo và thu hồi được toàn bộ tài sản thiệt hại cho Ngân hàng thì có thể được cơ quan tố tụng miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chỉ bị áp dụng mức hình phạt thấp nhất.

Cũng tương tự như ví dụ trên, trong một số trường hợp đã bắt được tội phạm nhưng bọn lừa đảo đã chi tiêu hết nên không có khả năng thu hồi được thiệt hại, nếu CBNV Ngân hàng đã tự mình lấy tài sản cá nhân để khắc phục được toàn bộ thiệt hại thì tùy từng trường hợp có thể được cơ quan tố tụng miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chỉ bị áp dụng mức hình phạt thấp nhất.

 

Kết luận.

Có ai đó nói Kinh doanh Ngân hàng là kinh doanh rủi ro ! Quả thực, bản thân tác giả sau khi phân tích, đánh giá tổng quát về nội dung và các quy định tại Điều 144 BLHS 1999 cũng như thực tiễn nghiệp vụ trong hoạt động Ngân hàng nêu trên thấy rằng tính rủi ro rất cao, đặc biệt là rủi ro pháp lý vì quy định pháp luật chưa thực sự bảo vệ và an toàn cho CBNV Ngân hàng. Mặt khác, quy định về nghề nghiệp trong hoạt động Ngân hàng hiện nay có quá nhiều quy trình, thủ tục, trình tự nghiệp vụ mà một CBNV Ngân hàng nếu không có kinh nghiệm, không cẩn thận và cảnh giác cao thì rất khó phân biệt đúng, sai nên rất dễ bị vướng rủi ro pháp lý.

Tác giả hy vọng bài viết trên sẽ giúp ít nhiều cho CBNV Ngân hàng nhận thức được rõ hành vi, trách nhiệm và những rủi ro nhất định khi tác nghiệp trong hoạt động tín dụng và luôn nhắc mình cẩn thận, cố gắng thực hiện kinh doanh rủi ro cùng Ngân hàng an toàn, thành công.

Phan Văn Lãng  - 8/2009 

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ luật hình sự năm 1985 và Bộ luật hình sự năm 1999;
  2. Luật Ngân hàng và Luật các Tổ chức tín dụng;
  3. Nghị định số 59/2009/NĐ-CP ngày 16/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng thương mại.
  4. Giáo trình “Luật hình sự Việt Nam” của Trường ĐH Luật Hà Nội do Nhà xuất bản Bộ Công an phát hành;
  5. “Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự Việt Nam” của Bộ Tư Pháp do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành;
  6. Các báo, Tạp chí và bài viết, nghiên cứu khoa học liên quan.

 

 

Liên hệ


Nhập nội dung sau: captcha

Tầng 8 Tòa nhà CT3B - Số 10 Đại lộ Thăng Long, Hà Nội

0982.180.880 - 024.2249.3579

info@luatminhtriet.com

Số lượt truy cập:353996

Đối tác và khách hàng

USOL Vietnam Co.,Ltd
VietCredit
ELCOM
P.AMC
Gỗ An Lạc
Gỗ Việt
WoDesign