BẢO LÃNH THANH TOÁN THUẾ - NGÂN HÀNG MẮC KẸT !

25 Mar 2019

Hợp đồng bảo lãnh ghi rõ Ngân hàng[1] cam kết bảo lãnh thanh toán cho khách hàng trong thời hạn 1 tháng và chỉ trong thời hạn này, nếu khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán thì ngân hàng mới phải thực hiện thay. Tuy nhiên, với bảo lãnh thanh toán thuế các ngân hàng đang mắc kẹt vì đã hết thời hạn bảo lãnh theo hợp đồng nhưng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thuế thay khách hàng !

 

Hợp đồng… bảo lãnh theo thời hạn.

Ngày 02/09/2008, Ngân hàng ký Hợp đồng bảo lãnh số 1171/2008/HĐBL với Công ty TT&XM (sau đây gọi là “Công ty”) để bảo lãnh thanh toán tiền thuế nhập khẩu và thuế GTGT hàng nhập của Công ty với số tiền hơn 5 tỷ đồng.  Hợp đồng bảo lãnh nêu rõ: thời hạn bảo lãnh là 1 tháng từ ngày ký Hợp đồng, Công ty đồng ý dùng tài sản để bảo đảm là ký qũy bảo lãnh với giá trị 1 tỷ đồng (tương đương 20% số tiền bảo lãnh) và thế chấp lô hàng nhập khẩu.

Cùng ngày ký hợp đồng bảo lãnh, Ngân hàng phát hành Thư bảo lãnh số 1171/BL08 gửi Chi cục Hải quan Cửa khẩu thông báo việc Ngân hàng chấp thuận bảo lãnh cho Công ty theo quy định. Thư bảo lãnh nêu rõ: Bảo lãnh này được phát hành duy nhất một bản và có giá trị hiệu lực (từ ngày 02/09/2008 đến 16h30 ngày 01/10/2008) phù hợp với thời gian theo quy định của pháp luật.

Ngày 15/10/2008, trên cơ sở thời hạn bảo lãnh theo Hợp đồng bảo lãnh đã hết, Ngân hàng và Công ty thanh lý Hợp đồng, giải chấp toàn bộ tài sản bảo đảm (tiền mặt và tài sản thế chấp) cho công ty theo các Hợp đồng bảo lãnh đã ký kết.

Cuối tháng 11/2008, Ngân hàng nhận được Công văn của Chi cục Hải Quan Cửa Khẩu thông báo do Công ty không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định nên đề nghị Ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo Thư bảo lãnh số 1171/BL08 đã thông báo và yêu cầu ngay sau khi nhận được công văn này, Ngân hàng có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế của Công ty với số tiền bảo lãnh đã cam kết.

Tá hỏa với nội dung công văn của Chi Cục Hải quan Cửa Khẩu rồi đối chiếu lại toàn bộ Hợp đồng bảo lãnh và cam kết bảo lãnh đã ký thấy đều nêu rõ là Ngân hàng chỉ bảo lãnh trong thời hạn là 1 tháng kể từ ngày phát hành thư bảo lãnh, hơn thế toàn bộ tài sản bảo đảm đã giải chấp theo quy định của hợp đồng nên ngay sau đó, ngày 01/12/2008, Ngân hàng đã gửi Công văn đến Chi Cục Hải quan Cửa Khẩu nêu rõ căn cứ Hợp đồng bảo lãnh, Ngân hàng không thể thực hiện nghĩa vụ trả thay vì nghĩa vụ bảo lãnh theo hợp đồng đã chấm dứt và ngân hàng đã giải chấp toàn bộ tài sản bảo đảm theo quy định.

 

Hết thời hạn …Ngân hàng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. 

Ngày 05/12/2008, Ngân hàng nhận được Công văn của Chi cục Hải quan Cửa khẩu, nội dung Công văn nêu rõ: Ngày 02/09/2008 Ngân hàng đã phát hành Thư bảo lãnh số 1171/BL08 gửi Chi cục Hải quan Cửa khẩu thông báo việc Ngân hàng chấp thuận bảo lãnh cho Công ty theo quy định pháp luật, thời hạn bảo lãnh phù hợp với các quy định của pháp luật.

Theo quy định tại điểm 1.2 Mục IV Thông tư số 59/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 14/06/2007 hướng dẫn cụ thể Nghị định số 149/2005/NĐ-CP ngày 06/12/2005 Quy định chi tiết thi hành Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu về việc thi hành thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì Thời hạn bảo lãnh được quy định là “Hết thời hạn bảo lãnh trong trường hợp thời hạn bảo lãnh ngắn hơn thời hạn nộp thuế hoặc hết thời hạn nộp thuế trong trường hợp thời hạn bảo lãnh bằng hoặc dài hơn thời hạn nộp thuế nhưng người nộp thuế chưa nộp xong thuế thì tổ chức nhận bảo lãnh có trách nhiệm nộp số tiền thuế và tiền phạt chậm nộp thuế (nếu có) thay cho người nộp thuế. Thời hạn chậm nộp thuế được tính từ ngày hết thời hạn bảo lãnh hoặc hết thời hạn nộp thuế như nêu trên”.

Như vậy, nếu Ngân hàng bảo lãnh thanh toán thuế tức là bảo lãnh thanh toán nghĩa vụ với Nhà nước thì không có thời hạn nào khác cho đến khi Công ty thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm nộp thuế, trường hợp Ngân hàng chỉ bảo lãnh trong thời hạn bảo lãnh theo Thư bảo lãnh và Hợp đồng bảo lãnh mà không bảo lãnh cho đến khi Công ty thực hiện hoàn thành nghĩa vụ thuế là chưa phù hợp với Quy định của pháp luật ngành thuế, nên trường hợp như nêu trên, Ngân hàng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thay cho Công ty.

Ngay sau đó, Ngân hàng đã tổ chức cuộc họp với Chi cục Hải quan Cửa Khẩu để bàn hướng giải quyết, tại cuộc họp đại diện Chi cục Hải quan Cửa Khẩu đưa ra tối hậu thư là trong thời hạn Công văn nếu Công ty chưa thực hiện theo quy định mà Ngân hàng cố tình không thực hiện nghĩa vụ theo cam kết thì Chi Cục sẽ báo cáo cấp trên và có thể tất cả các Thư bảo lãnh của Ngân hàng trong hệ thống sẽ không được các Chi cục Hải quan cả nước chấp nhận.

 

Cần có hướng dẫn thêm !

Trong trường hợp nêu trên, rõ ràng ngân hàng đã thực hiện đúng các quy định Quy chế bảo lãnh ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định số 26/2006/QĐ-NHNN ngày 26/6/2006 của Ngân hàng Nhà nước  (sau đây gọi tắt là “Quy chế bảo lãnh”) bởi Quy chế bảo lãnh nêu rõ: Thời hạn bảo lãnh được xác định từ khi phát hành bảo lãnh cho đến thời điểm chấm dứt bảo lãnh được ghi trong cam kết bảo lãnh. Trường hợp cam kết bảo lãnh không ghi cụ thể thời điểm chấm dứt bảo lãnh thì thời điểm chấm dứt bảo lãnh được xác định tại thời điểm nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt quy định tại Điều 20 của Quy chế bảo lãnh (Khoản 1 Điều 18)[2].

Mặt khác, theo quy định của Quy chế bảo lãnh thì Ngân hàng có nghĩa vụ thực hiện bảo lãnh theo cam kết bảo lãnh và có quyền thu phí bảo lãnh theo thoả thuận; xử lý tài sản bảo đảm của khách hàng theo thoả thuận. Ngược lại, Khách hàng chỉ có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ và đúng hạn nghĩa vụ đã cam kết với Ngân hàng; thanh toán đầy đủ và đúng hạn phí bảo lãnh cho Ngân hàng theo thoả thuận; nhận nợ và hoàn trả cho Ngân hàng số tiền Ngân hàng đã trả thay, bao gồm cả gốc, lãi và các chi phí trực tiếp phát sinh từ việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và có quyền yêu cầu Ngân hàng thực hiện đúng cam kết bảo lãnh và các thoả thuận trong Hợp đồng cấp bảo lãnh.

Như vậy, tất cả quyền và nghĩa vụ của Ngân hàng và Khách hàng đều được gói gọn là thực hiện bảo lãnh theo thời hạn được quy định trong Hợp đồng cấp bảo lãnh và cam kết bảo lãnh đã ký. Hợp đồng này được pháp luật bảo vệ và phù hợp với nghiệp vụ bảo lãnh theo quy định của Ngân hàng nhà nước. Ngân hàng không có nghĩa vụ thực hiện bảo lãnh khi đã hết thời hạn (tức là nghĩa vụ bảo lãnh đã chấm dứt), trường hợp, ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho khách hàng không phù hợp thời hạn trong cam kết và Hợp đồng cấp bảo lãnh đã ký thì khách hàng cũng không phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả đối với Ngân hàng.

Xét trên lý của Ngân hàng thì như vậy, tuy nhiên, các quy định mà Chi Cục Hải Quan Cửa khẩu viện dẫn là phù hợp, đúng quy định ngành thuế và đó là quy định pháp luật (Nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Tài chính) thì dù Hợp đồng bảo lãnh giữa Ngân hàng và khách hàng có quy định như thế nào thì vẫn phải phù hợp với quy định pháp luật. Luật quy định nếu bảo lãnh thanh toán nghĩa vụ thuế thì trách nhiệm của ngân hàng bảo lãnh là đến khi khách hàng thực hiện xong nghĩa vụ với nhà nước. Do đó, Ngân hàng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ trả thay mặc dù thời hạn bảo lãnh đã hết theo Hợp đồng bảo lãnh được xác lập, thực hiện hoàn toàn phù hợp với Quy chế bảo lãnh do Ngân hàng Nhà nước.

Kết luận.

Ở trường hợp cụ thể nêu trên, ngân hàng và khách hàng đều có thiện chí cùng hợp tác giải quyết nên các bên thống nhất gia hạn Hợp đồng bảo lãnh, theo đó Công ty đưa toàn bộ tài sản bảo đảm hiện có (trụ sở công ty, máy móc, thiết bị…) để thế chấp và cam kết trong thời hạn ngắn sẽ nộp đủ số tiền thuế theo quy định. Tuy nhiên, nếu Ngân hàng gặp khách hàng không thiện chí thì Ngân hàng sẽ vô cùng khó khăn, bởi một bên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ với cơ quan thuế, một mặt yêu cầu khách hàng nhận nợ, hoàn trả trong khi tài sản bảo đảm đã giải chấp là vô cùng khó khăn, nếu khởi kiện vẫn được bảo vệ theo pháp luật nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức.

Do vậy, để đảm bảo quyền lợi các bên liên quan và tránh rủi ro cho ngân hàng trong hoạt động cấp bảo lãnh, Cơ quan chủ quản cần có hướng dẫn cụ thể hơn về nghiệp vụ cho ngân hàng bởi lẽ Quy chế bảo lãnh chỉ quy định trường hợp chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh khi thời hạn của bảo lãnh đã hết mà không có quy định nào về trường hợp thời hạn bảo lãnh đó phải tuân thủ và thực hiện theo quy định pháp luật nói chung và nghành thuế nói riêng.

 

Tác giả:          Phan Văn Lãng

[1] Theo nghĩa hiểu đơn giản nhất, trong phạm vi có hạn, bài viết này chỉ nói tới bảo lãnh của chủ thể là Ngân hàng thương mại.

[2] Điều 20. Nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt khi (i) Khách hàng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh; (ii) Ngân hàng đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo cam kết bảo lãnh (iii) Việc bảo lãnh được huỷ bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác; (iv) khi thời hạn của bảo lãnh đã hết; (v) Bên nhận bảo lãnh đồng ý miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho bên bảo lãnh hoặc nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt theo quy định của pháp luật; (vi) Theo thoả thuận của các bên.

Liên hệ


Nhập nội dung sau: captcha

Tầng 8 Tòa nhà CT3B - Số 10 Đại lộ Thăng Long, Hà Nội

0982.180.880 - 024.2249.3579

info@luatminhtriet.com

Số lượt truy cập:353482

Đối tác và khách hàng

USOL Vietnam Co.,Ltd
VietCredit
ELCOM
P.AMC
Gỗ An Lạc
Gỗ Việt
WoDesign