TÌM HIỂU THÊM VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ THƯƠNG HIỆU VIETCOMBANK

25 Mar 2019

Thông tin Ngân hàng Ngoại thương số 146 ra tháng 9/2005 có đăng bài viết “Lại bàn về việc xác định giá trị thương hiệu Vietcombank” của Tác giả Nguyễn Duy Lộ, theo đó tác giả một lần nữa khẳng định quan điểm của mình về việc xác định giá trị thương hiệu Vietcombank rằng: “giá trị tài sản hữu hình vốn chủ sở hữu của Vietcombank phải làm cơ sở cho việc xác định giá trị thương hiệu Vietcombank ”, là người có tìm hiểu về lịch sử hình thành thương hiệu cũng như quá trình thực hiện cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam nói riêng và công cuộc cổ phần hóa các Doanh nghiệp Nhà nước của Đảng và Nhà nước ta nói chung, tôi xin mạnh dạn trình bày một số tìm hiểu của mình như sau:

1. TÌM HIỂU VỀ PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ THƯƠNG HIỆU

Trước đây, tài sản hữu hình được xem là phần chính và có tính quyết định trong giá trị doanh nghiệp. Việc thẩm định, đánh giá giá trị và khả năng sinh lợi, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn chỉ dựa vào những chỉ số sinh lợi của vốn đầu tư, của tài sản hữu hình, của vốn chủ sở hữu,…mặc nhiên không quan tâm, xem xét đến giá trị các tài sản vô hình như thương hiệu. Tuy nhiên, sự chênh lệch ngày càng lớn giữa giá trị trên sổ sách kế toán và giá trị trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp đã khiến cho mọi người càng công nhận giá trị nhất định của thương hiệu và vấn đề định giá thương hiệu ngày càng được quan tâm hơn.
Có rất nhiều phương pháp xác định giá trị thương hiệu khác nhau được nhìn nhận như các phương pháp điều tra xã hội, nghiên cứu thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng bằng các bảng phân tích, thống kê hoặc các phương pháp khác như dựa vào chi phí xây dựng, phát triển thương hiệu; so sánh các tiêu chí của thương hiệu hoặc dùng giá chênh lệch để định giá thương hiệu nhưng cơ bản và khoa học hơn cả là phương pháp dựa vào các lợi ích kinh tế của thương hiệu để định giá.
Dựa vào lợi ích kinh tế là phương pháp dựa vào những nguyên tắc căn bản của tiếp thị (hiệu quả của thương hiệu và hiệu quả của doanh nghiệp có mối quan hệ với nhau, thương hiệu mạnh thường gắn liền với sự phát triển của doanh nghiệp) và tài chính (tính giá trị ròng hiện tại của các lợi ích tương lai của thương hiệu). Sự kết hợp các số đo tài sản thương hiệu với các chỉ số tài chính đã trở thành phương pháp định giá thương hiệu được công nhận rộng rãi, nó đã được dùng để định giá hàng ngàn trường hợp định giá thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Cách làm của tuần báo Business Week và công ty Interbrand (công ty tư vấn thương hiệu hàng đầu thế giới ở New York) khi xếp hạng 100 thương hiệu hàng đầu thế giới hàng năm cũng là dựa phương pháp này.
Trước hết, phương pháp này sẽ ước tính tổng doanh số của thương hiệu, sau đó sẽ tính lãi ròng của thương hiệu rồi trừ đi một khoản để hạch toán cho chi phí sở hữu những tài sản hữu hình để tính những giá trị kinh tế gia tăng nhờ những yếu tố vô hình, bước tiếp theo là loại bỏ những khoản lợi nhuận mà thương hiệu đem lại nhờ những yếu tố vô hình khác như lợi thế kinh doanh mà không phải thương hiệu như vị trí địa lý, tiềm năng phát triển,… để có thể sàng lọc những biến số này cần thiết phải có điều tra, nghiên cứu thị trường và có sự phân tích của các chuyên gia kinh tế. Cuối cùng là việc phân tích sức mạnh của thương hiệu đó để ước tính mức độ rủi ro của những lợi nhuận tương lai của thương hiệu, để tính sức mạnh của thương hiệu, trong những yếu tố Interbrand và Business Week xem xét thì khả năng dẫn đầu thị trường; tính ổn định và khả năng vượt qua các giới hạn lãnh thổ và văn hóa là được coi trọng hơn cả. Phần phân tích rủi ro này sẽ cho tỷ lệ chiết khấu thích hợp để tính giá trị hiện tại ròng của các lợi nhuận tương lai của thương hiệu .

2. VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ THƯƠNG HIỆU VIETCOMBANK

Bài học lịch sử có giá trị ?
Về quan điểm của tác giả Nguyễn Duy Lộ cho rằng: “Tôi nghĩ điều kiện lịch sử của kinh tế thị trường tư bản hàng trăm năm họ tạo nên những nhà sản xuất, kinh doanh có được thương hiệu đáng giá ngàn vàng…còn đối với Việt Nam ta nói chung, trong đó có Vietcombank nói riêng rõ ràng là có xuất phát điểm của kinh tế thị trường hoàn toàn khác, còn hết sức sơ khai và mới mẻ. Không nên chỉ dựa vào một số những minh chứng lịch sử đã diễn ra trên thế giới để khẳng định rằng thương hiệu Vietcombank không cần căn cứ vào nền tảng thực tế vốn chủ sở hữu của nó là có thể xác định giá trị thương hiệu của một ngân hàng, mà từ trước tới nay chưa hề có tiền lệ.”. Trong bài viết của mình, tôi đã nêu 3 ví dụ điển hình về thương hiệu - tài sản vô hình (TSVH) của doanh nghiệp được định giá và chuyển nhượng với giá trị cao gấp nhiều lần giá trị tài sản hữu hình (TSHH) của doanh nghiệp trên thế giới và cả ở Việt Nam, đó là một ví dụ năm 1988 về tập đoàn thuốc lá quốc tế Philip Moris; một ví dụ năm 2004 của tập đoàn máy tính Lenovo (Trung quốc) và cuối cùng là một ví dụ rất điển hình trong nước là kem đánh răng P/S.
Cho đến nay, chưa có sự liệt kê đầy đủ các trường hợp đã được định giá và chuyển nhượng thương hiệu trên thế giới cũng như Việt Nam, vì vậy, sẽ là cụ thể hơn nếu lấy một ví dụ từ Trung Quốc (quốc gia có những điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội… khá tương đồng với Việt Nam) và một của Việt Nam để minh chứng cho quan điểm về việc giá trị TSVH có thể lớn gấp nhiều lần TSHH và không thể khẳng định chắc chắn rằng TSHH luôn là cơ sở có tính quyết định giá trị TSVH - Thương hiệu của doanh nghiệp. Trong bài viết tôi cũng khẳng định “…TSHH không thể là cơ sở có tính quyết định trong việc định giá thương hiệu…” và trong bài viết này tôi xin bảo lưu quan điểm đó, bởi theo những phân tích về phương pháp xác định giá trị thương hiệu như phần trình bày ở trên thì TSHH căn bản không hề có tính quyết định trong việc xác định giá trị thương hiệu.
Xin được nói rõ quan điểm của mình là TSHH “không phải là cơ sở có tính quyết định” chứ không phải là “…thương hiệu Vietcombank không cần căn cứ vào nền tảng thực tế vốn chủ sở hữu của nó là có thể xác định giá trị thương hiệu của một ngân hàng… ” như tác giả Nguyễn Duy Lộ đã hiểu (tôi hy vọng đó là do việc diễn giải của mình không đầy đủ?).
Quan điểm của tác giả Nguyễn Duy Lộ: “Tôi nghĩ điều kiện lịch sử của kinh tế thị trường tư bản hàng trăm năm họ tạo nên những nhà sản xuất, kinh doanh có được thương hiệu đáng giá ngàn vàng…” để cho rằng không phù hợp ở Việt Nam ? Về vấn đề này tôi lại nghĩ khác, định giá DNNN, xác định giá trị thương hiệu của DNNN không ngoài mục đích là để tìm ra giá trị đích thực của doanh nghiệp đó, góp phần giúp các nhà đầu tư có cái nhìn, đánh giá năng lực thực sự của doanh nghiệp, hơn thế không làm thất thoát tài sản của Nhà nước và người lao động, do đó, phương pháp, cách thức nào là hợp lý nhất, khoa học nhất thiết nghĩ cũng cần phải xem xét, đắn đo.
Thời gian qua, thương hiệu, định giá và chuyển nhượng thương quyền là vấn đề được bàn luận khá sôi nổi và đặc biệt nổi cộm khi liên tiếp trong những năm qua chúng ta đã bị “mất” rất nhiều thương hiệu nổi tiếng với hàng chục năm xây dựng bởi các công ty, tập đoàn kinh tế đa quốc gia như: nước mắm Phú Quốc, kem đánh răng P/S, Dệt Long An,… hoặc các doanh nghiệp trong nước phải đấu tranh vô cùng khó khăn để giành lại thương hiệu khi bị “lợi dụng”, “đánh cắp” như thuốc lá Vinataba, dép Bitis, mì ăn liền ViFon, kẹo dừa Bến Tre, cà phê Trung Nguyên…rồi những chuyện khó tin nhưng có thật với các doanh nghiệp Việt Nam khi tung sản phẩm ra thị trường quốc tế đã phải chịu những chi phí đến hàng triệu đôla mới giành lại được thương hiệu mà chỉ vì chủ quan, không hiểu luật, thị trường hoặc chậm chân đã gây ra… Từ những thực tế trên, cho thấy bất kỳ một nền kinh tế nào khi tham gia vào thị trường quốc tế đều phải chịu sự điều chỉnh bởi các quy luật của nó. Những kiến thức, kinh nghiệm và bài học lịch sử không chỉ có giá trị ở những nước kinh tế thị trường mà áp dụng chung cho tất cả những quốc gia, tổ chức có liên quan. Việt Nam tuy chưa phải là nền kinh tế thị trường thực sự nhưng chúng ta đang quá độ tới nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Vì vậy, các thành tựu của khoa học kinh tế thế giới cần phải được chúng ta tiếp thu, vận dụng để sẵn sàng cho cuộc chơi chung, việc nhanh chóng nắm bắt nhằm đi trước, đón đầu các thành tựu đó thiết nghĩ phải là yêu cầu cấp bách không chỉ của lý luận kinh tế mà còn là thực tế hiển hiện, xác định giá trị thương hiệu Vietcombank không phải là một ngoại lệ! Nên quan điểm của tác giả nêu trên sợ rằng có điều không thỏa đáng ?!

Xác định giá trị thương hiệu Vietcombank theo Nghị định 187, thông tư 126 ?

Có thể nói rằng: cho đến nay chúng ta vẫn chưa chính thức có bất cứ một văn bản pháp lý nào điều chỉnh cụ thể về giá trị và các phương pháp xác định giá trị thương hiệu doanh nghiệp, việc các DNNN khi thực hiện cổ phần hóa thường áp dụng xác định giá trị thương hiệu theo Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 và Thông tư hướng dẫn số 126/TT-BTC ngày 24/12/2004 của Bộ Tài Chính về việc hướng dẫn chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần, tuy nhiên, cả hai văn bản trên đều không nêu định nghĩa thương hiệu cũng như giá trị và các phương pháp xác định giá trị thương hiệu mà giá trị thương hiệu chỉ được tổng hợp lại cùng với vị trí địa lý, tiềm năng phát triển thành giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp và được tính chung theo phương pháp: “Giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp được xác định trên cơ sở tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa và lãi suất trả trước của trái phiếu Chính phủ dài hạn ở thời điểm gần nhất trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp” (khoản 3 Điều 19 NĐ 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 ).
Với phương pháp “tổng hợp”, “gộp chung” như trên khó có thể thể hiện được đầy đủ giá trị thực của thương hiệu mà các doanh nghiệp phải mất nhiều năm mới gây dựng được. Chính vì vậy có người cho rằng: trong thời gian qua các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đều định giá thương hiệu của mình theo phương pháp “ước lượng” hoặc “ấn định” là chính ! Đã có nhiều thương hiệu của các công ty, tổng công ty trong thời gian qua được định giá, nhưng giá trị thường không lớn như thương hiệu của tổng công ty Vinaconex đã được định giá là 3,5 tỷ đồng, giá trị lợi thế kinh doanh tạm tính là 3,1 tỷ đồng trong khi tổng giá trị tài sản là 3.700 tỷ đồng (01/01/2004)(????).
Trên cơ sở nghiên cứu, trao đổi theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 về việc chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phẩn và Thông tư 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 hướng dẫn thực hiện Nghị định 187 nói trên đã không nêu định nghĩa thương hiệu, không có các tiêu chuẩn để định giá thương hiệu, xác định giá trị tiềm năng của thương hiệu nên chưa thể xác định giá trị đích thực của doanh nghiệp nói chung và giá trị thương hiệu nói riêng.
Ngày 21/09/2005, Thủ tướng đã có Quyết định số 230/2005/QĐ-TTg về việc Thí điểm cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Quyết định đã nêu rõ: “Xác định giá trị doanh nghiệp và phân tích hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam; Phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài Chính quyết định trên cơ sở đề nghị của tổ chức tư vấn quốc tế và quy định hiện hành của pháp luật”(điểm a khoản 2 Điều 1). Như vậy, việc định giá giá trị doanh nghiệp của Vietcombank (theo Nghị định 187 và thông tư 126 giá trị doanh nghiệp đã bao gồm giá trị thương hiệu Vietcombank ) đã được quyết định và quyết định đó sẽ là sự thống nhất của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài Chính trên cơ sở đề nghị của tổ chức tư vấn quốc tế. Vấn đề đặt ra là hiện nay các quy định pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về thương hiệu, các tiêu chí, căn cứ để đánh giá, xác định giá trị thương hiệu.
Theo đánh giá của các chuyên gia thì Vietcombank là doanh nghiệp hạng đặc biệt có tổng tích sản vào loại nhất nhì trong hệ thống ngân hàng và đương nhiên giá trị thương hiệu cũng tỷ lệ thuận theo tổng tích sản đó, ngoài ra, Vietcombank với lịch sử hơn 40 năm hình thành và phát triển của mình đã đạt những thành tựu to lớn thì việc xác định giá trị doanh nghiệp nói chung và định giá thương hiệu của Vietcombank nói riêng cần sớm có một hành lang pháp lý hoàn thiện để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt.
Trên đây là những tìm hiểu về việc xác định giá trị doanh nghiệp nói chung và xác định giá trị thương hiệu Vietcombank nói riêng được trình bày theo quan điểm cá nhân của tác giả với tâm niệm “biển học không bờ”, tác giả mong có được nhiều tài liệu hơn nữa để tìm hiểu và nghiên cứu về việc xác định giá trị thương hiệu Vietcombank.

Phan Lãng - Tháng 10/2005

Liên hệ


Nhập nội dung sau: captcha

Tầng 8 Tòa nhà CT3B - Số 10 Đại lộ Thăng Long, Hà Nội

0982.180.880 - 024.2249.3579

info@luatminhtriet.com

Số lượt truy cập:353461

Đối tác và khách hàng

USOL Vietnam Co.,Ltd
VietCredit
ELCOM
P.AMC
Gỗ An Lạc
Gỗ Việt
WoDesign