TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN TRONG HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG.

25 Mar 2019

Nói đến Ngân hàng, người ta thường hình dung, đó là một nơi chứa rất nhiều tài sản quý giá, đặc biệt là tiền. Do vậy, đó thưc sự là một “miếng mồi ngon” cho bọn tội phạm nhắm đến. Trong thời gian vừa qua tội phạm lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của ngân hàng gia tăng đột biến. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do bọn tội phạm với “tư cách” khách hàng vay vốn hay “công ty thực hiện dự án”, hay cán bộ ngân hàng.... dùng nhiều thủ đoạn tinh vi cố tình lừa đảo,  chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng. Bên cạnh đó, việc quản lý lỏng lẻo, không chặt chẽ, không chuyên nghiệp trong các Ngân hàng, việc chưa tuân thủ những quy trình nghiệp vụ về hoạt động tín dụng, về quản lý  ngân quỹ; việc kiểm tra, kiểm toán nội bộ còn sơ sài, hay cán bộ nghiệp vụ chưa có kinh nghiệm xử lý đối với những kẻ tội phạm có thủ đoạn tinh vi, phức tạp....cũng là những nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng trên.

Chẳng hạn, ngày 16/7/2009, báo chí đưa tin “Qua mặt ngân hàng, nữ sinh “chôm” 300 triệu đồng của bạn” kể về một nữ sinh lấy cắp sổ tiết kiệm của bạn, rồi đến ngân hàn rút tiền, chiếm đoạt gần 300 triệu đồng để tiêu sài cá nhân. Mới đây , TAND tỉnh Quảng Ngãi xét xử nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt của ngân hàng hơn 7 tỷ đồng chỉ bằng con dấu và chữ ký giả…

Đối với những vụ án này, thiệt hại tài sản của Ngân hàng là không nhỏ, nhưng có thể định lượng được còn thiệt hại về uy tín, về niềm tin đối với khách hàng là vô cùng lớn, nó trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng. 

Theo quy định tại Điều 139 của BLHS 1999 thì:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

  1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
  2. a) Có tổ chức;
  3. b) Có tính chất chuyên nghiệp;
  4. c) Tái phạm nguy hiểm;
  5. d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

  1. e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
  2. g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
  3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
  4. a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
  5. b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
  6. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
  7. a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
  8. b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
  9. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm.”

Đọc các quy định nêu trên, có thể nhận thấy, không có quy định cụ thể nào quy định về hành vi phạm tội liên quan đến hoạt động ngân hàng.Tuy nhiên khi xem xét, nghiên cứu cụ thể các hành vi phạm tội cũng như nghiên cứu  thực tiễn xét xử các vụ án này cùng với thực tiễn hoạt động kinh doanh của Ngân hàng chúng ta sẽ hiểu rõ hơn, vì sao nhiều cán bộ ngân hàng lại bị truy cứu về tội này mặc dù chỉ là liên đới .  

 

PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ VỀ NỘI DUNG ĐIỀU LUẬT

  1. Người thực hiện hành vi phạm tội:

Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự : Người thực hiện hành vi phạm tội nếu là người từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với toàn bộ các quy định của Điều luật. Còn đối với những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các quy định tại Khoản 3 - Tội rất nghiêm trọng hoặc Khoản 4 - Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng của Điều luật.

Trường hợp người phạm tội trực tiếp thực hiện các thủ đoạn gian dối để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản là CBNV Ngân hàng thì cũng phải đáp ứng điều kiện về độ tuổi nêu trên, thực tế tại các Ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay, thì CBNV Ngân hàng đều được xác định là từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự.

Hiện nay, yêu cầu về trình độ trong quá trình tuyển dụng của các Ngân hàng đều rất khắt khe. CBNV Ngân hàng được tuyển dụng, được giao, phân công thực hiện các nhiệm vụ đơn giản nhất tại Ngân hàng cũng đều có trình độ cao đẳng trở lên hoặc tối thiểu là trung cấp, đặc biệt mới là tốt nghiệp phổ thông trung học còn đa phần đều tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kinh tế hoặc những trường đại học chuyên môn, đặc trưng khác như Đại học Luật, Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc, Đại học Bách khoa…tùy theo yêu cầu nghiệp vụ. Do đó, CBNV Ngân hàng nếu xét là chủ thể của tội lừa đảo về mặt tuổi và năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì đa số đều đầy đủ theo quy định pháp luật.

  1. “Quy định” bị vi phạm ?

               Quy định bị vi phạm chung nhất ở điều luật này là quy định pháp luật về sở hữu tài sản, cụ thể là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và định đoạt tài sản. Trong hoạt động Ngân hàng, quy định về sở hữu tài sản được thể hiện qua các quy định nội bộ của Ngân hàng. Tài sản Ngân hàng đặc trưng và cụ thể nhất là tiền vốn, tài sản này được Ngân hàng sử dụng và quyết định cho vay trên cơ sở dự án đầu tư, phương án kinh doanh của các chủ thể trong quan hệ vay tài sản với Ngân hàng.

               Quy chế cho vay của mỗi Ngân hàng hiện nay đều được xây dựng trên cơ sở các quy định của Ngân hàng Nhà nước phù hợp với các quy định của pháp luật. Điều kiện cho vay được quy định rõ ràng đến từng chủ thể và phải đáp ứng được các điều kiện đó mới được Ngân hàng cho vay. Tuy nhiên, không phải CBNV Ngân hàng nào cũng nắm vững và thực hiện đúng, đầy đủ các điều kiện cho vay. Biết được các hạn chế đó, bọn tội phạm đã dùng các thủ đoạn gian dối từ đơn giản đến phức tạp với công nghệ hiện đại, tinh vi nhằm lừa đảo để CBNV Ngân hàng tin rằng chúng đã đáp ứng đủ các điều kiện cho vay nhằm chiếm đoạt vốn vay trái quy định của Ngân hàng và quy định của pháp luật, xâm phạm các quy định về sở hữu tài sản của Ngân hàng được Nhà nước và pháp luật bảo vệ.

  1. Hành vi phạm tội, hậu quả và mối quan hệ với hành vi phạm tội
    1. Hành vi phạm tội:

Hành vi phạm vào tội quy định tại Điều 139 BLHS 1999 được quy định là hành vi “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối cũng được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản - CBNV Ngân hàng. Điều luật quy định rõ “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác..”, phải hiểu rõ và hiểu đúng là tội phạm lừa đảo dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản Ngân hàng mà biểu hiện của thủ đoạn gian dối tùy thuộc vào từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nhằm đánh lừa CBNV Ngân hàng như nói dối, giả mạo, làm khống giấy tờ, hồ sơ hoặc giả danh các cơ quan Nhà nước, giả danh người có chức vụ, quyền hạn để lừa đảo.

Ví dụ: A đã mở nhiều sổ tiết kiệm tại Ngân hàng với giá trị thấp sau đó sửa lại thành giá trị rất lớn đi thế chấp vay nhiều tiền tại nhiều Ngân hàng, CBNV Ngân hàng đã không kiểm tra, đối chiếu kỹ trên hệ thống nên đã cho A thế chấp, rút nhiều tiền trên cơ sở thế chấp các Sổ tiết kiệm đã bị chỉnh sửa giá trị nêu trên. 

Thực tiễn xét xử có nhiều tội phạm có thủ đoạn gian dối, có hành vi chiếm đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu theo Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tùy từng trường hợp cụ thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội phạm tương ứng khác được quy  thành các tội độc lập trong Bộ luật hình sự 1999.

Ví dụ: Hành vi làm tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả, séc giả, các giấy tờ có giá giả nhằm sử dụng, mua bán có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo “Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả” quy định tại Điều 180 BLHS 1999 hoặc “Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành séc giả, các giấy tờ có giá giả khác” quy định tại Điều 181 BLHS 1999; hoặc hành vi làm hàng giả, buôn bán hàng giả để lừa người tiêu dùng có thể bị xem xét truy cứu về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả” quy định tại Điều 156 BLHS 1999, .v.v

Thủ đoạn gian dối của người phạm tội phải có trước việc giao tài sản của CBNV Ngân hàng (người bị hại) thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu hành vi gian dối xảy ra sau khi người phạm tội đã nhận được tài sản thì tùy từng trường hợp cụ thể thủ đoạn gian dối đó có thể bị xem xét truy cứu theo Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Về phía CBNV Ngân hàng phần lớn trong các vụ án đều được xác định là người bị hại,, do mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin nên vô tình tạo điều kiện cho người phạm tội chiếm đoạt được tài sản của Ngân hàng.

Ví dụ: Ông A đến Ngân hàng đổi tiền nhưng luôn kêu đang vội và giục CBNV Ngân hàng kiểm đếm nhanh để kịp thời gian đi công tác gấp. Nhân viên giao dịch Ngân hàng thấy ông ăn mặc lịch sự, lại đổi nhiều tiền nên đã không kiểm tra kỹ từng cọc tiền nên bị ông A đổi mất 100 triệu tiền giả.

Một điểm đặc biệt và nổi bật nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chính CBNV Ngân hàng - người bị hại lại tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội và họ cũng khẳng định rằng việc giao tài sản cho người phạm tội như vậy là hoàn toàn phù hợp quy định và đúng pháp luật.

Ví dụ: Tên A người nước ngoài đến Ngân hàng bằng thủ đoạn lấy tiền giả đổi tiền thật đã chiếm đoạt trót lọt của Ngân hàng hàng triệu đồng tiền mặt. Cuối ngày, khi kiểm tra máy camere thì thấy Nhân viên giao dịch Ngân hàng đã bị tên A lợi dụng sơ hở nhanh tay đổi tiền giả lấy tiền thật để lừa đảo. Như vậy, khi đổi tiền cho tên A, Nhân viên giao dịch Ngân hàng đã tin mình kiểm tra tiền thật và đúng quy trình nên tự nguyện giao tiền.

Thực tiễn, trong một số trường hợp đặc biệt, CBNV Ngân hàng biết mình bị lừa, biết việc giao tài sản cho người phạm tội là bất hợp pháp nhưng vẫn giao thì CBNV Ngân hàng đó tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị cơ quan tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sai phạm đó.

Ví dụ: A thế chấp tài sản chung của hai vợ chồng vay tiền Ngân hàng, khi vay A không có ủy quyền của vợ, nên Hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp chỉ mình A ký, khi giải ngân, CBNV Ngân hàng đã phát hiện nhưng lẽ ra không giải ngân và yêu cầu bổ sung Giấy uỷ quyền của vợ A thì cán bộ này lại cho giải ngân và yêu cầu bổ sung sau.

A đã không bổ sung nên khi phải xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ, Ngân hàng đã không xử lý thu hồi đủ vốn vay được do Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng thế chấp tài sản thiếu chữ ký của vợ A. Hành vi sai phạm của Cán bộ nêu trên là đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho Ngân hàng nên đã bị cơ quan tố tụng xem xét truy cứu trách nhiệm.

  1. Hậu quả và mối quan hệ của hậu quả với hành vi phạm tội:

Hậu quả đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt.

Tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 500.000 đồng trở lên thì mới phạm vào tội này, nếu dưới 500.000 đồng thì phải hội đủ các điều kiện khác của điều luật như gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới phạm vào Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hoạt động kinh doanh của Ngân hàng là hoạt động kinh doanh tiền tệ, hiện nay, những giao dịch dưới 500.000 đồng rất hiếm. Giá trị giao dịch trong ngân hàng thường là hàng triệu đồng đến hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng. Mỗi CBNV Ngân hàng hàng ngày giao dịch rất nhiều lần, với nhiều đối tượng khác nhau nên giá trị thường rất lớn. Mặt khác, đời sống kinh tế của Nhân dân và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế như hiện nay thì việc các tổ chức, cá nhân giao dịch hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng không hiếm.

Cũng chính vì vậy, ngày 19/06/2009, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XII, kỳ họp thứ 5 đã họp và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 1999. Theo đó, kể từ ngày 01/01/2010 giá trị tài sản bị chiếm đoạt tại khoản 1 Điều 139 BLHS 1999 đã được thay đổi từ mức “500.000 đồng” thành “2.000.000 đồng”.

Như vậy, kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực thì người nào có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 2.000.000 (hai triệu đồng) đồng trở lên mới có thể bị xem xét truy cứu theo tội và hình phạt quy định tại Điều 139 BLHS 1999.

  1. Lỗi, động cơ và mục đính phạm tội.
  • Xét về Lỗi: Người thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có lỗi cố ý. Người phạm tội cố tình thực hiện các hành vi gian dối,  mong muốn hậu quả xảy  ra và mong muốn chiếm đoạt được tài sản của Ngân hàng.
  • Xét về động cơ và mục đích phạm tội: Động cơ và mục đích của người phạm tội khi thực hiện hành vi gian dối là nhằm chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện thủ đoạn lừa dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Nếu sau khi có được tài sản một cách hợp pháp rồi mới có ý định chiếm đoạt thì không phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị cơ quan tố tụng truy cứu theo tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ví dụ: A thực hiện thủ tục vay vốn hợp pháp tại Ngân hàng để thực hiện dự án mua 2 ô tô nhằm kinh doanh vận tải, khi mua được ô tô A không kinh doanh vận tải theo cam kết mà bán 2 ô tô để lấy tiền đánh bạc hết. A bị cơ quan tố tụng xem xét theo hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chứ không phải tội lừa đảo.

Động cơ, mục đích chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt thì người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác thì người phạm tội cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo.

Ví dụ: A muốn làm giả Chứng thư bảo lãnh để lừa Ngân hàng đã nhờ B phụ giúp A làm giả Chứng thư. Khi B làm xong Chứng thư giả, biết được mục đích làm giả của A đã giới thiệu A với C là người có thể làm giả hồ sơ vay vốn ngân hàng. Khi lừa được Ngân hàng 6 tỷ đồng, cả ba cùng ăn chia chi tiêu hết. Khi bị bắt, cả ba tên đều được xác định là đồng phạm và bị truy cứu theo tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng.

 

  1. Hình phạt.

Trước đây, Bộ luật hình sự năm 1985 cũng có quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng chia thành hai điều luật cụ thể, Điều 134: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và Điều 157: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân.

Tuy nhiên, theo Bộ luật hình sự năm 1985 thì hình phạt nhẹ hơn rất nhiều, theo đó, nếu phạm tội thì hình phạt thấp nhất là tù có thời hạn và không có hình phạt bổ sung, không có cải tạo không giam giữ, không có hình phạt tiền và hình phạt tù cao nhất cũng chỉ đến 15 năm tù (Điều 157) hoặc tù chung thân (Điều 134), cả hai điều luật đều được chia thành 3 khoản quy định khá cụ thể.

Ngược lại, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo BLHS 1999 đã không có sự phân biệt về tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản của công dân nữa mà gộp chung thành một điều quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói chung. Điều 139 BLHS 1999 được chia thành 5 khoản và quy định khá rõ và cụ thể, chi tiết đến từng hình phạt: có hình phạt chính thấp nhất là “cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm” và cao nhất đến tử hình, có hình phạt bổ sung là “phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm”.

Như vậy, khác với hình phạt quy định trong tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của Ngân hàng (Điều 179 BLHS 1999), tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhà nước (Điều 144 BLHS 1999) thì hình phạt trong tội lừa đảo có hình phạt cao nhất đến tử hình và không có hình phạt bằng tiền nhưng điểm chung là đều có hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng từ một đến năm năm.

Tuy nhiên, do đánh giá đây là những tội xâm phạm sở hữu tài sản, vậy trong trường hợp người phạm tội đã khắc phục được thiệt hại thì hình phạt tử hình sẽ là quá nghiêm khắc, nên ngày 19/06/2009, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XII, kỳ họp thứ 5 đã họp và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 1999. Theo đó, kể từ ngày 01/01/2010 hình phạt “tử hình” tại khoản 4 Điều 139 BLHS 1999 đã được hủy bỏ.

Như vậy, kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực thì người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản dù gây hậu quả nghiêm trọng đến đâu, cũng chỉ bị áp dụng mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

  1. Một số đặc trưng:

Ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có nhiều khoản, điểm của điều luật quy định về các hình thức, mức độ nguy hiểm và các căn cứ áp dụng hình phạt có rất nhiều đặc trưng, mà nếu không tìm hiểu sâu rất dễ nhầm lẫn hoặc không hiểu đúng. Cụ thể như :

6.1 Phạm tội theo Khoản 1 Điều 139 BLHS 1999, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

Ở khoản này cần chú ý, cùng là hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản nhưng có thể chưa đến mức xử lý hình sự mà có thể chỉ xử lý hành chính, vì vậy, khi xác định các dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt cần chú ý:

  1. a) Giá trị tài sản bị chiếm đoạt là giá trị thị trường tự do vào thời điểm xảy ra tội phạm, trong trường hợp không xác định được giá trị tài sản thì phải trưng cầu giám định.
  2. b) Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 500.000 đồng (dưới 2.000.000 đồng - áp dụng từ ngày 01/01/2010) nhưng đã gây ra thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho người bị hại hoặc xã hội theo các tỷ lệ nhất định (thương tật của một người từ 21% trở lên hoặc gây thương tật cho nhiều người mà cộng lại có tỷ lệ từ 21% trở lên ) thì vẫn phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
  3. c) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm là trường hợp trước khi thực hiện hành vi lừa đảo, người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản bằng một trong các hình thức quy định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính do cơ quan có thẩm quyền áp dụng mà chưa quá một năm.

Nếu người phạm tội bị xử phạt hành chính về hành vi khác không phải là tội chiếm đoạt tài sản thì không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

  1. d) Đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm là trường hợp trước khi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội đã bị Tòa án kết án về một trong các tội có tính chất chiếm đoạt nhưng chưa được xóa án tích theo quy định.

Nếu người phạm tội bị kết án về tội phạm khác không phải là tội chiếm đoạt hoặc phạm vào tội chiếm đoạt nhưng đã được xóa án tích theo quy định thì cũng không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

6.2. Phạm tội theo Khoản 2 Điều 139 BLHS 1999, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

  1. a) Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tổ chức: là trường hợp có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hiện, người xúi giục, người giúp sức. Tuy nhiên, không phải vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ các vai trò trên, mà tùy trường hợp, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể có thể chỉ có người tổ chức, người thực hiện mà không có người xúi giục, người giúp sức nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hiện thì mới cấu thành tội phạm có tổ chức.

Ví dụ: A tổ chức thuê H làm chứng thư bảo lãnh giả, hợp đồng giả giao cho B đi lừa Ngân hàng D, giao cho C đi lừa Ngân hàng E. Khi thực hiện xong A, B, C, H chia nhau số tiền chiếm đoạt của ngân hàng D, E theo tỷ lệ.

Khi bị cơ quan tố tụng phát hiện, bắt giữ và xét xử thì với các tình tiết trên tùy từng trường hợp cụ thể nhưng A có thể sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò tổ chức, H với vai trò giúp sức và B, C với vai trò là những người thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản Ngân hàng.

  1. b) Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tính chất chuyên nghiệp: Là trường hợp người phạm tội lấy việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản là phương tiện sinh sống chính của mình. Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tính chất chuyên nghiệp thường có sự tổ chức, phân công cụ thể từng bộ phận, cá nhân thực hiện từng công đoạn trong tổ chức lừa đảo.

Người phạm tội phải là người thực hiện thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản nhiều lần, phải xác định được những lần thực hiện gian dối đều là để lừa đảo chiếm đoạt tài sản và việc thực hiện hành vi phạm tội là phương tiện sống.

  1. c) Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm: là trường hợp người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc đã tái phạm (đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý) chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý.
  2. d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

- Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công việc nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công việc đó. Người có quyền hạn thông thường là người có chức vụ, nhưng cũng có thể là người không có chức vụ nhưng được giao, được thực hiện một công việc.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn: là trường hợp sử dụng chức vụ, quyền hạn mà mình có được để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì mới phạm tội thuộc trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

- Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức là trường hợp người phạm tội thông qua cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thông thường, người phạm tội trong các trường hợp này bằng cách thông qua các hợp đồng kinh tế để lừa đảo cơ quan, tổ chức, người bị lừa thường tưởng nhầm làm ăn với cơ quan, tổ chức thì không bị lừa.

Ví dụ: A là trưởng phòng tín dụng Ngân hàng, lợi dụng mình có chức vụ liên quan đến hoạt động cho vay của Ngân hàng, A đã lừa người dân về việc cần huy động số tiền lớn với lãi suất cực cao cho vay ngắn hạn để thực hiện dự án mới của Ngân hàng nhằm giúp những cá nhân/tổ chức đang nợ quá hạn tại Ngân hàng và người dân sẽ được lãi cao.

A đã huy động hàng tỷ đồng của người dân rồi đầu tư chứng khoán thua lỗ hết – A bị cơ quan tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt để lừa đảo chiếm đoạt tài sản: là trường hợp khi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội có những mánh khóe, cách thức thâm hiểm làm cho người bị hại và những người khác khó lường trước để đề phòng.

Ví dụ: Lợi dụng chủ trương của Nhà nước cho phép người dân được đổi tiền rách, không đủ tiêu chuẩn lưu thông, bọn lừa đảo đã mua gom tiền cotton loại có mệnh giá lớn về để cắt, ghép lại từ ít tờ thành nhiều tờ rồi đến các ngân hàng làm thủ tục xin đổi tiền rách lấy tiền mới. Cứ 5 tờ tiền cotton còn nguyên sẽ được bọn chúng "nhân bản" ra thành 6 tờ rách rồi đi lừa đảo các ngân hàng.

Hành vi của bọn lừa đảo đã xét xử, tuy nhiên, có thể nói thủ đoạn “lừa đảo đổi tiền rách qua ngân hàng” để chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn tinh vi lần đầu tiên xuất hiện tại hệ thống ngân hàng ở Việt Nam. 

 

- Đối với các điểm thuộc khoản 3, 4 của Điều luật thì đều quy định về các trường hợp phạm tội với hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng theo quy định nhưng cũng căn cứ vào mức độ thiệt hại là tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm; hoặc tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm; hoặc tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến tù chung thân.

 

Kết luận.

Hoạt động kinh doanh Ngân hàng ở nước ta đang trên đà khởi sắc mặc cho các doanh nghiệp khác có thể đang khó khăn, tình hình kinh doanh đình trệ. Tuy nhiên hoạt động kinh doanh của Ngân hàng lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, không chỉ là rủi ro từ các hoạt động cho vay không đúng quy định, cán bộ nhân viên thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho Ngân hàng..... mà còn rủi ro từ chính các sản phẩm phục vụ khách hàng của Ngân hàng. Chẳng hạn như tội phạm có thể làm giả các loại giấy tờ tài liệu đơn giản nhất đến các giấy tờ là sản phẩm mang đặc trưng nghiệp vụ ngân hàng như chứng chỉ ghi nợ, Chứng thư bảo lãnh, giấy tờ có giá, Giấy tờ chứng minh sở hữu, sử dụng tài sản........Với những loại giấy tờ này, nếu Ngân hàng không có kỹ thuật phát hiện tinh vi thì tội phạm có thể rút tiền ngân hàng một cách dễ dàng và nhanh chóng, gây thiệt hại lớn cho Ngân hàng.

Tội phạm lừa đảo ngân hàng thời gian gần đây càng trở lên nguy hiểm hơn khi nền kinh tế chúng ta đang hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế thế giới, đồng nghĩa với sự hội nhập kinh tế, chúng ta sẽ mở cửa đón cơ hội và điều kiện mới phát triển đất nước nhưng cũng là “đón chào” các thế hệ tội phạm lừa đảo tinh vi hơn, hiện đại hơn…chỉ có chống rủi ro đơn giản thôi chưa đủ, mà cần có sự phối hợp thống nhất trong các Ngân hàng cùng các bộ ngành liên quan, đặc biệt là sự hỗ trợ, giúp đỡ từ cơ quan tố tụng là vô cùng quan trọng.

Đối với các CBNV Ngân hàng để tránh liên đới do hành vi phạm tội của tội phạm lừa đảo thì trong công tác, nhiệm vụ được giao cần luôn luôn cảnh giác cao độ, thực hiện đúng các quy trình, quy định của Ngân hàng nhằm phòng chống tội phạm lừa đảo hiệu quả. Mặt khác, để phòng chống rủi ro và giảm tối đa thiệt hại từ tội phạm lừa đảo, lãnh đạo, Hiệp hội các Ngân hàng cần thiết phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an cùng các ban ngành liên quan lên các phương án phòng chống tội phạm lừa đảo, thiết kế và phối hợp đưa các bài học kinh nghiệm, kiến thức về phân biệt giấy tờ, con dấu, chữ ký giả mạo vào chương trình giảng dạy CBNV Ngân hàng nhằm phòng chống tội phạm lừa đảo hữu hiệu hơn nữa.

Phan Văn Lãng 

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ luật hình sự năm 1985 và Bộ luật hình sự năm 1999;
  2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 1999;
  3. Luật Ngân hàng và Luật các Tổ chức tín dụng;
  4. Giáo trình “Luật hình sự Việt Nam” Trường ĐH Luật Hà Nội do Nhà xuất bản Bộ Công an phát hành;
  5. “Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự Việt Nam” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành;
  6. Các báo, Tạp chí và bài viết, nghiên cứu khoa học liên quan.

Liên hệ


Nhập nội dung sau: captcha

Tầng 8 Tòa nhà CT3B - Số 10 Đại lộ Thăng Long, Hà Nội

0982.180.880 - 024.2249.3579

info@luatminhtriet.com

Số lượt truy cập:353467

Đối tác và khách hàng

USOL Vietnam Co.,Ltd
VietCredit
ELCOM
P.AMC
Gỗ An Lạc
Gỗ Việt
WoDesign